“Các thang bậc, chuẩn mực đạo đức đã đảo lộn” - một số nhà nghiên cứu xã hội học gần đây ta thán. Thực tế có phải như vậy?
Thực ra, thời nào ở nước ta cũng có những vụ kiểu như thế, mức độ có thể khác nhau nhưng xảy ra với mật độ dày và giữa bối cảnh trình độ dân trí ngày càng cao hơn, chất lượng sống khá hơn, hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn... như bây giờ thì đáng phải suy nghĩ! Ngay cả tại Mỹ với trình độ phát triển về mọi mặt không quốc gia nào sánh kịp nhưng cũng là nước đau đầu nhất bởi tỉ lệ tội phạm cao hàng đầu thế giới.
Cách đây 31 năm, nhóm tác giả James Q. Wilson và George L. Kelling công bố một lý thuyết nổi tiếng có tên gọi “Những tấm kính cửa sổ vỡ” (Broken Windows), trong đó giải thích lý do nảy sinh hành vi tội phạm. Nhóm tác giả làm thí nghiệm bằng cách bỏ mặc 2 chiếc ô tô đắt tiền gồm 1 chiếc còn nguyên vẹn và 1 chiếc đã bị đập vỡ cửa kính tại 1 khu phố. Kết quả: Tuần đầu tiên, chiếc ô tô vỡ kính bị mất trộm, chiếc kia còn nguyên. Nhóm tác giả lại đập vỡ cửa kính của chiếc còn nguyên này và tiếp tục vứt xe ở đó. Một tuần sau, chiếc này cũng bị mất trộm. Từ đó, họ đúc kết lý thuyết “Những tấm kính cửa sổ vỡ”: Khi chiếc cửa kính đã bị đập vỡ nhưng không được sửa chữa hay thay mới thì người ta hiểu rằng hành động đập vỡ kính được dung túng. Đập cửa kính đầu tiên rồi, các tấm kính khác có thể cũng sẽ bị đập, đồng nghĩa rằng tình trạng thiếu kiểm soát được duy trì và trong cảnh hỗn loạn đó, từ đập vỡ kính đến lấy trộm xe là điều tất yếu...
Chuyện ấy cũng na ná với hình ảnh một góc phố đang sạch sẽ, khi có một người đổ rác vào đó mà không bị nhắc nhở hay phạt, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người cùng đổ rác dù biết làm vậy là sai!
Vậy là hành vi tội phạm gắn liền với sự vô tổ chức cũng như thái độ bàng quan của con người. Ví như trong vụ bác sĩ ném xác, “tấm kính vỡ” đầu tiên là mở thẩm mỹ viện chui, hành nghề công khai “nhờ” sự thờ ơ, vô trách nhiệm của cơ quan chức năng sở tại. Những “tấm kính vỡ” tiếp theo là thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái luật, rồi ném xác khách hàng sau khi khiến người đó tử vong... Tình trạng trộm chó cũng vậy, nếu như hành vi ăn trộm được cơ quan hữu trách nỗ lực ngăn chặn và xử lý nghiêm minh thì đâu có cảnh người dân tự ra tay để phải phạm luật. Nói chung, ngăn “tấm kính” đầu tiên bị vỡ thì hậu quả tai hại dây chuyền sẽ được khắc chế đến mức thấp nhất có thể.
Rõ là, lý thuyết “Những tấm kính cửa sổ vỡ” được lý giải cho rất nhiều trường hợp với thông điệp cốt lõi: Không được phép thờ ơ với những chuyện sai, dù rất nhỏ, để tránh xảy ra thiệt hại lớn.
Đừng để vỡ “tấm kính” nào. Nếu “tấm kính” đầu tiên rạn nứt, hãy sớm tìm cách hàn gắn!
Bình luận (0)