xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tàn độc với rừng

Bài và ảnh: XUÂN HOÀNG

Cây ở rừng phòng hộ đang xanh tốt bỗng chết úa với những "thương tích" chỉ có thể do con người gây ra

Vụ việc cây rừng phòng hộ bỗng nhiên chết hàng loạt xảy ra gần đây nhất là tại Phân trường Trảng Táo - Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (nằm trên địa bàn xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Phóng viên Báo Người Lao Động đã có mặt ghi nhận.

Nghi vấn người bảo vệ

Tại hiện trường, có đến hơn 240 cây gỗ dầu, gỗ sao bị héo úa và chết. Các cây bị đầu độc thuộc loại gỗ lớn. Đây là các lứa cây được trồng từ đầu những năm 2000, hiện cao trên 10 m. Thật đau xót khi quan sát, thấy các cây này đều có dấu hiệu bị khoan, đục ít nhất 3 lỗ ở gốc, có dấu hiệu bị đổ thuốc diệt cỏ vào, có những lỗ khoan còn bị bịt bằng bông gòn để thuốc không chảy ra ngoài, sau đó phủ lá cây lại nhằm che giấu.

Tàn độc với rừng - Ảnh 1.

Bị đục ở gốc và đổ thuốc diệt cỏ vào cho đến chết là số phận của 240 cây gỗ dầu, gỗ sao tại Phân trường Trảng Táo

Vùng có cây bị hạ độc nằm trong diện tích rừng hơn 7 ha mà Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc giao khoán cho hộ gia đình ông Nguyễn M. (ngụ tại khu vực) quản lý chăm sóc và bảo vệ. Theo hợp đồng giữa ông M. và đơn vị quản lý rừng, thì ông này được trồng xen cây điều hoặc các cây công nghiệp khác trong diện tích rừng nói trên, đồng thời giữ nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ rừng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Hiện, Trưởng Phân trường Trảng Táo, cho biết các cây có dấu hiệu bị đầu độc cách đây khoảng nửa tháng. Tuy nhiên hiện tại, đã 3 lần phân trường mời người được giao khoán chăm sóc rừng là ông Nguyễn M. lên làm việc nhưng ông vẫn không đến. Các cán bộ phân trường cho hay ngay sau khi phát hiện vụ việc, xác định có tính chất nghiêm trọng, đơn vị đã báo lên cơ quan công an và chuyển toàn bộ hồ sơ để cơ quan thực thi pháp luật vào cuộc điều tra.

"Các cây của rừng phòng hộ chết trong khi vườn cây công nghiệp vẫn tươi tốt là điều bất thường, những dấu hiệu cây bị hạ độc khá rõ. Hiện tại, chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra. Mong mọi việc được làm rõ, xử lý nghiêm để không còn tái diễn tình trạng này" - ông Hiện nói.

Nhiều vụ chưa sáng tỏ

Tình trạng hạ độc cây lâu năm trong rừng phòng hộ tại Đồng Nai không phải xảy ra lần đầu, trong những năm gần đây xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Các cơ quan quản lý từng cho rằng nhiều vụ việc xảy ra có dấu hiệu cây rừng bị "hạ độc thủ" để giành đất và không gian. Ở một số vụ việc, lực lượng chức năng đã đặt giả thiết và điều tra theo hướng các "chủ rừng" đã âm mưu hủy hoại cây rừng để giành không gian cho các loại cây công nghiệp, được cho trồng xen kẽ trên diện tích rừng giao khoán, tuy nhiên cuối cùng vẫn chưa được làm rõ.

Cách đây vài năm, trên địa bàn huyện Tân Phú, cũng xảy ra vụ hạ độc tương tự với hơn 140 cây rừng có độ tuổi từ 10-15 năm tại rừng giá tỵ (gỗ tếch) thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú. Thời điểm này, đơn vị quản lý cũng xác định các cây trong khu vực rừng được giao khoán đã bị hạ độc bằng cách chặt sâu vào gốc và đổ thuốc diệt cỏ để cây chết dần, xen kẽ giữa các cây rừng khô rụi là những cây vườn xanh tốt, mức thiệt hại của nhà nước ước tính hàng tỉ đồng. Lúc đó, lực lượng chức năng đã mật phục, phát hiện vài trường hợp hạ độc cây nhưng do tính chất lẻ tẻ nên việc xử lý vẫn như "bắt cóc bỏ dĩa". Chính quyền địa phương cho hay đã gặp khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng này và chỉ có cách động viên người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Tại huyện Định Quán (khu vực ấp Mít Nài, xã La Ngà), chúng tôi từng thâm nhập khu rừng phòng hộ có hàng trăm cây gỗ tếch, săng lẻ bị tàn phá. Các cây có dấu hiệu bị hạ độc, triệt hạ từ gốc cháy khô và chết dần nhưng vẫn không lần ra thủ phạm. Theo thống kê, rừng Đồng Nai hiện có diện tích 185.000 ha (gồm cả rừng phòng hộ, vườn quốc gia, khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển), hệ thống rừng phòng hộ được hình thành cách đây vài chục năm trên các địa bàn huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc. Tuy nhiên, từ những năm 2000, nạn phá rừng phòng hộ bùng phát, số cây bị triệt hạ đã lên tới con số hàng chục ngàn.

Liên quan vụ việc hạ độc cây vừa xảy ra tại huyện Xuân Lộc, ông Nguyễn Hữu Lộc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, cho biết đơn vị đang củng cố thông tin để trực tiếp làm rõ, sau đó phối hợp với các bên đề ra hướng xử lý. 

Đồng loạt vào cuộc

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 24-7, Công an huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết đang gấp rút điều tra làm rõ vụ việc hàng trăm cây gỗ dầu và gỗ sao ở rừng phòng hộ thuộc Phân trường Trảng Táo chết một cách bất thường.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, khẳng định việc xâm phạm, hủy hoại hoặc không làm tròn trách nhiệm trong việc giám sát, giữ gìn rừng phòng hộ sẽ bị xử lý nghiêm. "Bảo vệ rừng hiện là nhiệm vụ cấp bách, nghiêm ngặt. Các hành vi gây hại sẽ được điều tra làm rõ và xử lý nghiêm. Ý thức bảo vệ rừng phải được nâng cao…" - ông Vinh nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo