Nói về việc này, tại phiên họp báo vào ngày 11-10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết chủ trương khoán xe công đã có gần 10 năm về trước song do quy định dựa trên tinh thần tự nguyện nên ít người nhận khoán. “Sự đời có mấy ai tự nguyện. Đó là tiêu chuẩn, định mức, quyền lợi gắn với chức danh. Chỉ vì người ta không thích thì lấy lý do không làm thôi” - ông Chính nói. Ông cũng nhìn nhận với bản thân “không có vấn đề gì phải nề hà”.
Với bản tính sĩ diện của người Việt, có ô tô riêng, tài xế riêng, nhất là xe biển số xanh, là “một phần tất yếu” của rất nhiều quan chức. Đó cũng là lý do để không mấy người mặn mà việc khoán, chưa kể xe công ngoài phục vụ chức danh còn được sử dụng cho nhiều mục đích cá nhân. Đã quen với sự rình rang, trịnh trọng, quan cách trong ứng xử hằng ngày, không dễ gì các quan chịu rời xe công. Do đó, nếu thí điểm ở Bộ Tài chính thành công sẽ là cú hích để mở rộng thực hiện, không chỉ mang lại khoản tiết kiệm mà còn là thay đổi nhận thức, quen dần với tư duy không phải một bước lên xe xuống ngựa mới là cán bộ cấp cao. Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, nếu khoán xe công tính theo giá taxi hiện nay, mỗi năm ngân sách tiết kiệm 1.500 tỉ đồng.
Cùng thời điểm này, Sở Nội vụ TP HCM cũng trình UBND TP ban hành quy định mới trong tác phong, cung cách ứng xử của cán bộ, công chức (CB-CC) như cấm rượu bia trong giờ làm việc, không hút thuốc tại công sở, nghiêm cấm nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý hay giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp, khi thực hiện nhiệm vụ không được để quá hạn, bỏ sót, đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc…
Những việc trên, từ khoán xe công với cấp thứ trưởng hay siết chặt thực hiện kỷ cương, đạo đức công vụ trong đội ngũ CB-CC, cũng đều nhằm mục đích ích nước lợi dân và qua đó, tạo dựng lại hình ảnh những công bộc của dân. Không chỉ TP HCM, nhiều tỉnh, thành cũng ban hành các quy định quản lý để hạn chế sai phạm của CB-CC. Tuy nhiên, vẫn xảy ra những vụ việc gây tiếng xấu như hai ông quan sở đánh nhau ở Bình Phước, mới đây ông cán bộ ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận đập ly bia vào đầu bạn nhậu; tình trạng cả cơ quan kéo nhau đi đám giỗ, đi ăn tiệc, bỏ bê tiếp dân vẫn chưa chấm dứt.
Để giữ hình ảnh đẹp của những ông quan có tài có tâm, những CB-CC vì dân phục vụ, ngoài sự tự giác cá nhân trong thực tế công việc, còn có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan và nhân dân. Hy vọng rằng mỗi CB-CC, mỗi quan chức đều hiểu “quan nhất thời dân vạn đại”; hết lòng vì dân thì dân nể trọng, tin yêu.
Nhìn ra thế giới, cựu tổng thống Jose Mujica của Uruguay chẳng hạn, luôn đi chiếc xe cũ đã chạy suốt 25 năm. Dù chủ trương lối sống loại bỏ hết những biểu tượng giàu có gây tranh cãi song ông vẫn là một biểu tượng của sự trong sạch.
Bình luận (0)