Khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 22- 8, tàu cá QNg 96569TS, do ngư dân Nguyễn Ngữ, trú tại thôn Tây xã An Hải ( Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ đã đưa thi thể thuyền trưởng Nguyễn Văn Lượng (42 tuổi) và ngư dân Lê Văn Khuân (40 tuổi) bị thương nặng cập Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn.
Ngư dân L.V.T (46 tuổi), thuyền viên tàu cá QNg 96569 TS bàng hoàng kể lại: Khoảng gần 18 giờ ngày 20-8, thuyền trưởng Nguyễn Văn Lượng cho tàu chạy từ ngư trường Trường Sa lên bãi cạn rạn san hô cách đảo Cô Lin khoảng 60 hải lý về phía nam để khai thác hải sản thì bất ngờ bình gas nấu ăn trên tàu phát nổ. Lúc này, do đang điều khiển tàu trong ca bin gần vị trí bình gas nên thuyền trưởng Lượng bị các mảnh vỡ văng ra làm trọng thương, mất máu và ngất xỉu, ngoài thuyền trưởng Lượng, thuyền viên Lê Văn Khuân đang xếp lưới gần đó cũng bị các mảnh vỡ văng vào ngực làm bị thương. “ Rất may phần lớn anh em đang thả lưới ở mũi tàu nên không ai bị thương”, Ngư dân T nói.
Vụ nổ vừa xảy ra, các thuyền viên trên tàu vội sơ cứu cầm máu cho thuyền trưởng Lượng và Khuân, đồng thời liên lạc về đất liền xin hỗ trợ. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên ngư dân Nguyễn Văn Lượng đã tử vong khi tàu đang trên đường chạy vào bờ, còn ngư dân Lê Văn Khuân, do vết thương nhẹ nên sức khỏe đang dần hồi phục.
Tàu cá QNg 96569 TS vừa cập bờ, các cấp chính quyền của huyện Lý Sơn và hàng trăm người dân địa phương đã có mặt để đón thi thể ngư dân tử nạn và kịp thời đưa ngư dân bị thương đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Lý Sơn.
Hiện các cơ quan chức năng của huyện Lý Sơn đang xác minh làm rõ vụ việc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho hay vào 18 giờ ngày 20-8, ông có gọi điện thoại báo với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) về trường hợp ngư dân bị nạn trên tàu cá ở Hoàng Sa. Ngoài ra, ông cũng gọi ra tận Hà Nội để nhờ các cơ quan phối hợp với Bộ Ngoại giao lên phương án cứu nạn. Tuy nhiên, theo lời ông Chinh, đến tận 23 giờ tối cùng ngày thì Danang MRCC mới trả lời lại rằng không thể điều tàu ra cứu nạn được. “Chính vì vậy, các ngư dân phải tự đưa tàu trở về lại Lý Sơn, ngư dân bị nạn thì mất quá nhiều máu nên đã tử vong” – Ông Chinh thuật lại.
Ông Bùi Tấn Nguyên, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) xác nhận vào tối 20-8, trung tâm có nhận được thông tin tàu cá cần cứu nạn ở vùng biển Hoàng Sa. Theo ông Nguyên, sau khi liên lạc với tàu cá, trung tâm xác định vị trí tàu gặp nạn cách bờ biển Đà Nẵng tổng cộng 370 hải lý. “Trong khi đó các tàu SAR (tàu cứu nạn thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải) chỉ hoạt động tầm xa là 270 hải lý. Việc cứu nạn cho tàu cá lúc này vượt quá giới hạn cho phép của Danang MRCC” – Ông Nguyên nói.
Ngay sau đó, Danang MRCC đã báo với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam để tìm các phương án cứu hộ khác. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã báo với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn để thực hiện tư vấn y tế, liên hệ với Bộ ngoại giao Trung Quốc. Ông Nguyên khẳng định trong trường hợp này Danang MRCC đã làm hết sức mình, vừa phối hợp với Đài duyên hải cùng lực lượng biên phòng để hỗ trợ tàu bị nạn. Tuy nhiên theo ông Nguyên, từ khoảng 21 giờ ngày 20-8 thì Danang MRCC mất liên lạc với tàu cá. Đến sáng hôm sau thì Danang MRCC nhận được thông tin 1 ngư dân trên tàu bị nạn đã tử vong.
Theo ông Nguyên, ngư dân miền Trung hoạt động ở khắp các ngư trường và có nơi cách bờ biển Đà Nẵng rất xa. “Trong trường hợp tàu cá gặp nạn ở xa thì lực lượng cứu nạn phải tìm các liên lạc với các nước gần để tìm kiếm phương án khác như tìm tàu có phương tiện cứu nạn tại chỗ hoặc đưa trực thăng cứu nạn. Lực lượng tàu SAR mang tiếng chuyên dụng nhưng tầm hoạt động cũng hạn chế” – Ông Nguyên phân trần.
Bình luận (0)