Ngày 28-8, Nhà máy Đóng tàu Nha Trang đã phối hợp với chủ tàu Hoàng Anh 01 và cơ sở cung cấp máy tàu ở TP HCM tiến hành tháo dỡ toàn bộ máy của chiếc tàu này để tìm nguyên nhân gây sự cố. Cùng ngày, sự cố trên tàu Sang Fish 01 đã khắc phục xong.
Ngư dân lo lắng
Ông Lê Quang Lâm, Giám đốc Nhà máy Đóng tàu Nha Trang, cho rằng tàu Sang Fish 01 trục trặc là do khớp nối ở bộ phận tời với trục trích lực từ máy chính bị hỏng. Đến sáng 28-8, việc hàn nối, cân chỉnh đã xong.
Xác nhận việc sửa chữa tàu đã hoàn tất song ông Phan Bé, chủ tàu Sang Fish 01, băn khoăn: “Nếu nói bảo đảm thì thật không dám. Không biết nay tàu mai ra khơi, quay tời kéo cá có gãy trục nữa không”.
Trong khi đó, đến cuối giờ chiều 28-8, tại Nhà máy Đóng tàu Nha Trang, hơn 10 kỹ sư, thợ máy vẫn chưa tháo dỡ xong máy chính của tàu Hoàng Anh 01. Ông Lê Văn Toàn, Phó Giám đốc Nhà máy Đóng tàu Nha Trang, xác định sự cố chết máy chính của tàu là do trục cơ máy bị hỏng.
“Vì sao nó hỏng, do máy cũ hay do quá trình lắp máy tàu của công ty thì chưa xác định được. Phải cuối giờ chiều 29-8, khi đã tháo dỡ hết toàn bộ máy chính, chúng tôi mới biết” - ông Toàn nói.
Ông Phạm Văn Vinh, máy trưởng tàu Hoàng Anh 01, lo ngại: “Tôi không hiểu tại sao tàu mới đóng mà cả 2 chuyến ra khơi đều trục trặc. Tôi nghĩ họ lắp đặt trục cơ từ trong máy ra cẩu bị chệch nên làm hỏng máy”.
Theo ông Mai Thành Văn, chủ tàu Hoàng Anh 01, cơ sở cung cấp máy tàu đang mang thiết bị từ TP HCM ra để thay trục cơ máy chính.
“Tác phẩm đầu tiên”
Ông Phan Bé cho biết ngay chuyến biển đầu tiên, ông đã nhận ra tàu Sang Fish 01 được thiết kế không phù hợp với việc khai thác ngoài khơi, nhất là mùa biển động. “Cabin tàu vừa to vừa cao nên cản gió, rung lắc rất dữ. Mạn tàu ở phần đuôi lại rất thấp. Tàu chỉ mới ra khơi, chưa có cá mà chiều cao mạn phần trên mặt nước chỉ còn chưa đến 1 m, sóng đánh nước tràn vào cả tàu. Với tàu này, chẳng ai dám ra khơi mùa biển động” - ông Bé lo lắng.
Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cả 2 chiếc tàu vỏ sắt này đều không được thẩm định thiết kế.
“Họ tự thiết kế và tự đóng rồi bàn giao cho ngư dân chứ có ai thẩm định đâu? Đúng ra phải làm theo quy định. Cụ thể, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ cho 5 đơn vị thiết kế tàu sắt. Các mẫu thiết kế này sau đó được hội đồng thẩm định phân tích những điểm chưa phù hợp để sửa ngay. Nếu khi hội đồng thẩm định đồng ý thiết kế mới trình phê duyệt thì đâu đến nỗi xảy ra sự cố như vừa rồi?” - ông Lăng nhìn nhận.
TS Nguyễn Quang Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Thẩm định các mẫu tàu cá đánh bắt xa bờ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng khẳng định mẫu tàu cá Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01 đều ra đời trước khi có hội đồng này.
Trong khi đó, ông Lê Quang Lâm, Giám đốc Nhà máy Đóng tàu Nha Trang, cho rằng thiết kế 2 con tàu đã được thẩm định từ cơ quan đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên, ông Lâm thừa nhận vì đây là những tác phẩm đầu tiên nên khi đưa ra vận hành trong thực tế mới phát hiện có những chỗ không phù hợp.
“Nhà máy đã có kế hoạch làm việc với ngư dân nhằm tìm ra những chỗ không phù hợp để sửa chữa. Kinh phí việc sửa chữa này tất nhiên nhà máy phải chịu” - ông Lâm cho biết.
Bảo hiểm không bồi thường mất lưới
Ông Phan Bé cho biết trong sự cố gãy trục quay tời khi kéo lưới ngày 22-8, không những ông mất hơn 1 tấn cá mà còn mất gần 3 tay lưới vây trị giá khoảng 450 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Huy, Trưởng Phòng Giám định bồi thường Công ty Bảo Việt Khánh Hòa, nơi 2 con tàu này được mua bảo hiểm, thì hợp đồng chỉ có bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm máy móc, không bảo hiểm ngư lưới cụ.
“Vì thế, nếu mất lưới dù là do gãy trục tời thì chúng tôi cũng không thể bồi thường được” - ông Huy khẳng định.
Bình luận (0)