Trước đó một ngày, 358 công nhân của Công ty TNHH Túi xách Simone Việt Nam ở KCN Long Hậu (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) khi đang làm việc thì đột nhiên nôn mửa, đau bụng dữ dội phải chuyển lên Bệnh viện Nhà Bè, TP HCM. Bữa cơm chiều tối 22-4 với khẩu phần gà kho và rau luộc là thủ phạm khiến những công nhân này mang họa. Vụ việc tương tự xảy ra ngày 26 và 27-3 tại Công ty Cy-ViNa (KCN Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Sau bữa ăn trưa tại bếp ăn tập thể của công ty, lần lượt 250 công nhân bị ngộ độc do ăn phải thức ăn ôi thiu, mất vệ sinh.
Ngộ độc thực phẩm luôn là nỗi ám ảnh của công nhân. Họ vốn bị vắt kiệt sức trong nhà máy lại phải hao tổn sức khỏe, hiểm nguy tính mạng bởi những bữa ăn thiếu chất, thừa mầm bệnh. Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế tại một công bố mới đây cho biết khẩu phần ăn mỗi ngày của công nhân chỉ đáp ứng 90% nhu cầu dinh dưỡng đối với nam và 70% đối với nữ. Trong thành phần bữa ăn cũng chỉ có 12% protein, 16% chất béo, còn lại 72% là chất bột, đường như gạo, khoai...
Câu hỏi đặt ra là vì sao bữa ăn của công nhân nghèo nàn đến vậy và nó có liên quan gì đến ngộ độc thực phẩm? Đó là vì hiện nay, đa phần doanh nghiệp (DN) cho tư nhân đấu thầu bếp ăn hoặc cung cấp suất ăn công nghiệp. Định mức suất ăn mà DN đưa ra khá thấp, bình quân 10.000 - 15.000 đồng/phần. Để khấu hao chi phí và có lời, nhà thầu buộc phải giảm khẩu phần, tận dụng tối đa nguồn thực phẩm giá rẻ. Do vậy, giá trị thực sự mỗi khẩu phần ăn của công nhân chỉ vào khoảng 7.000 - 10.000 đồng. Đáng nói ở chỗ, thực phẩm giá rẻ thường là loại ôi thiu, dội chợ, phải dùng hóa chất để tẩy rửa, bảo quản. Thành ra, khẩu phần ăn của công nhân vốn nghèo dinh dưỡng lại luôn thừa hóa chất và ngộ độc là điều khó tránh khỏi.
Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các cấp trong việc kiểm tra bếp ăn tập thể của DN, nhất là DN trong các KCX, KCN. Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang nghiên cứu để đưa ra quy định bắt buộc về chất lượng bữa ăn tập thể, gắn trách nhiệm của chủ DN trong việc chăm lo bữa ăn cho công nhân.
Có thể thấy rõ sự cần thiết về tăng cường quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn từ đầu ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng công nhân. Dù vậy, nói như một quan chức của Bộ Y tế, chừng nào không có sự thay đổi nhận thức từ chủ DN, họ vẫn đối xử tệ với công nhân, ban phát những suất ăn rẻ mạt thì khó lòng ngăn thực phẩm bẩn tràn vào nhà máy, xí nghiệp, tấn công trực diện vào “vốn quý” hằng ngày mang lại lợi nhuận cho chính DN.
Bình luận (0)