Những “em bé vàng” chào đời sau 0 giờ ngày 1-11 đưa số dân nước ta vượt qua con số 90 triệu người nhiều ý nghĩa. Với 90 triệu người, Việt Nam là cường quốc dân số thứ 3 Đông Nam Á, thứ 6 châu Á và thứ 14 của cả thế giới.
Không chỉ là một “cường quốc dân số”, Việt Nam còn đang ở trong giai đoạn được cho là giai đoạn “dân số vàng” mà các quốc gia trên thế giới đều ao ước. Gọi cơ cấu dân số vàng bởi cứ 2 người lao động mới có một người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 65 tuổi). Giai đoạn dân số vàng của nước ta bắt đầu từ năm 2008 và sẽ kéo dài trong khoảng 35 năm.
Với tỉ lệ 2 người đi làm nuôi 1 người, chúng ta có một đội ngũ nhân lực dồi dào vốn rất cần thiết trong giai đoạn cần tăng tốc và bứt phá để thoát chiếc “bẫy” thu nhập trung bình. Trong giai đoạn dân số vàng còn kéo dài 3 thập kỷ nữa, cứ mỗi năm lại có khoảng 1,4 - 1,6 triệu người bổ sung lực lượng lao động ở nước ta. Nguồn nhân lực dồi dào này thực sự đang tạo ra cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thế nhưng, cơ cấu dân số vàng chưa hẳn đã tạo ra cơ hội vàng. Đúng là chúng ta đang có một đội ngũ nhân lực đông đảo song số lượng này lại hoàn toàn không đi đôi với chất lượng nguồn nhân lực. Nhân lực đông nhưng năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc lại thấp. Vì thế, thực tế là giá trị của cải vật chất mà đội ngũ lao động nước ta làm ra không hề tương ứng với tỉ lệ người lao động và người phụ thuộc là 2:1 của cơ cấu dân số vàng.
Không khó để thấy căn nguyên nghịch lý trên nằm ở hệ thống giáo dục - đào tạo. Cỗ máy cái ì ạch không thể theo kịp nhu cầu và đòi hỏi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên đã và đang cho ra đời những “sản phẩm” - nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Những “con rồng”, “con hổ” một thời của châu Á như Hàn Quốc, Singapore từng chớp thời cơ vàng từ cơ cấu dân số vàng hơn 3 thập kỷ trước để trỗi dậy mạnh mẽ. Vậy chúng ta liệu có nắm bắt được cơ hội dân số vàng? Thật không dễ để khẳng định gì vào lúc này bởi đã 5 năm trôi qua kể từ khi bắt đầu giai đoạn dân số vàng nhưng chúng ta vẫn loay hoay với công cuộc đổi mới giáo dục - đào tạo. 30 năm dân số vàng còn lại ngỡ dài nhưng có thể sẽ là cơ hội bị bỏ lỡ nếu giáo dục - đào tạo vẫn cứ đau đầu với bài toán làm thế nào để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những em bé vàng hôm nay, nếu không được giáo dục - đào tạo thành một người lao động chất lượng tốt trong tương lai thì chúng ta không chỉ lỡ cơ hội vàng phát triển mà còn sập “bẫy” thu nhập trung bình, mãi là kẻ chậm chân trong tiến trình phát triển của thế giới.
Bình luận (0)