Tháng 4-2008, liệu pháp điều trị cai nghiện ma túy thay thế bằng Methadone bắt đầu triển khai. Đến nay, cả nước có gần 15.000 người được điều trị Methadone tại 74 cơ sở trên 25 tỉnh, thành. Tại TP HCM, chương trình được thực hiện vào tháng 5-2008 với 3 cơ sở điều trị ở quận 4, 6 và Bình Thạnh cho 750 người, đạt nhiều thành quả quan trọng: Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, giảm số người sử dụng ma túy bất hợp pháp, giảm tử vong do sử dụng heroin.
Xã hội hóa, càng khó khăn
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Duy Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh, việc điều trị bằng Methadone sẽ gặp khó khăn về chi phí khi từ ngày 1-1-2014 bắt đầu thực hiện xã hội hóa. Nguyên nhân sâu xa là từ năm 2012, các nhà tài trợ quốc tế bắt đầu lộ trình cắt giảm tài trợ cho chương trình phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam. Đến năm 2014, họ sẽ cắt giảm 100% chi phí vận hành của chương trình, chi phí cung ứng thuốc Methadone cũng chỉ được hỗ trợ đến hết năm 2015.
“Khi chúng tôi vận động, các mạnh thường quân đều từ chối thẳng vì không ai muốn tài trợ cho người nghiện ma túy. Các đối tượng khó khăn, nghèo vẫn được tham gia điều trị thông qua chế độ ưu đãi, miễn giảm nhưng sẽ có rất nhiều người không có tiền để uống Methadone” - một cán bộ ngành LĐ-TB-XH tâm sự. Ông Lê Xuân Tâm, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận 10, cũng lo lắng vì không biết lấy kinh phí từ nguồn nào để thực hiện.
“Một trở ngại khác là TP HCM xã hội hóa Methadone nhưng nguồn thuốc chưa có. Chỉ có thuốc cho người sau cai, còn đối tượng tự nghiện thì không” - bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM, cho biết. Vừa qua, Chính phủ cho phép 5 doanh nghiệp dược trong nước được sản xuất thuốc Methadone. Đến nay, Công ty Vidipha đã được cấp phép lưu hành thuốc tại Việt Nam. Giá thành thuốc này khoảng 700.000 đồng/lít, bằng 2/3 giá thuốc nhập khẩu.
Ông Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, cho biết dù đã được phép lưu hành nhưng phải đến quý III và IV/2014, khi việc mua và cung cấp thực hiện theo Luật Đấu thầu, thuốc mới có thể đưa ra sử dụng tại các cơ sở điều trị Methadone. Mức cung cấp cũng chỉ bảo đảm 70% nhu cầu.
Lợi dụng để mua bán ma túy
Bên cạnh những mặt tích cực, phương pháp điều trị Methadone đang gây khó khăn cho việc quản lý người nghiện tại địa bàn.
Ông Đặng Văn Hiền - Trưởng Công an phường 12, quận Bình Thạnh - băn khoăn: “Nhiều đối tượng lợi dụng Methadone để mua bán ma túy, gây án, chúng tôi biết mà không xử lý được. Khi phát hiện đối tượng nghiện, chúng tôi cho kiểm tra. Nếu kết quả dương tính, chúng tôi sẽ đưa đi cai. Tuy nhiên, người uống Methadone khi kiểm tra cũng dương tính. Không chứng minh được chất nghiện là Methadone hay heroin nên không thể xử lý. Trên địa bàn phường có một đối tượng chích, mua bán ma túy liên tục nhưng chúng tôi rất khó xử lý”.
Theo ông Hiền, với người nghiện ma túy, Mathadone không đủ “đô”. Thực tế, nhiều người cai nghiện không dùng Methadone nữa, họ đến cơ sở điều trị lấy thuốc này chỉ là hình thức để che mắt, về nhà vẫn sử dụng heroin. “Vấn đề là phải cắt được cơn nghiện để trở lại là người bình thường. Cho người ta dùng thứ có thể nghiện thì họ cứ nghiện hoài rồi tăng dần liều” - ông Hiền lo ngại.
Đưa người nghiện chữa bệnh: Tòa án sẽ quyết Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng cho biết sắp tới, việc quản lý người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng còn khó khăn hơn khi hàng loạt luật, nghị định liên quan đi vào cuộc sống, như Nghị định 111 (có hiệu lực từ ngày 15-11-2013), Nghị định 167 (hiệu lực từ ngày 28-12-2013)... Đặc biệt, từ ngày 1-1-2014, thay vì chủ tịch UBND quận - huyện quyết định, việc đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh phải có quyết định của tòa án. |
Bình luận (0)