xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thảm hại danh thắng Kẽm Trống!

Bài và ảnh: TUẤN MINH

Là một trong những danh thắng nức tiếng ở Hà Nam và Ninh Bình, Kẽm Trống từng khiến bao tao nhân mặc khách nao lòng. Vậy mà giờ đây, danh thắng này đang bị biến dạng thảm hại

Kẽm Trống nằm giữa xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng danh thắng cấp quốc gia từ năm 1962. Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Hà Nam và Ninh Bình, vậy mà 54 năm trôi qua kể từ ngày được công nhận danh thắng quốc gia, Kẽm Trống dần trôi vào quên lãng và có nguy cơ bị xóa sổ.

Mê mẩn lòng người

“Hai bên thì núi, giữa thì sông/Có phải đây là Kẽm Trống không” - hai câu mở đầu bài thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương viết về Kẽm Trống phần nào giúp chúng ta hình dung về danh thắng này. Nằm sát Quốc lộ 1, cách thủ đô Hà Nội gần 80 km về phía Nam, Kẽm Trống được hình thành từ những dãy núi đá vôi hai bên bờ sông Đáy. Nhờ dòng nước trong xanh, núi đá soi mình xuống dòng sông khiến Kẽm Trống đẹp như một bức tranh sơn thủy.

Đứng trên cầu Khuất giáp ranh 2 tỉnh Ninh Bình và Hà Nam, chúng ta có thể phóng tầm mắt bao quát toàn bộ Kẽm Trống. Không rộng lớn mênh mông, Kẽm Trống như một nét chấm phá của tạo hóa với núi sông, đồng ruộng và cỏ cây. Cảnh sắc của trời đất và con người tạo cho khu vực này một vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa trầm lắng.

Toàn cảnh danh thắng quốc gia Kẽm Trống vang bóng một thời
Toàn cảnh danh thắng quốc gia Kẽm Trống vang bóng một thời

Kẽm Trống được hình thành từ núi Rùa, núi Cổ Động, núi Động Xuyên, núi Trinh Tiết ở phía tả và núi Bài Thơ, dãy Vắt Ra (Bạt Gia) ở phía hữu sông Đáy. Danh thắng này nằm gần như hoàn toàn trên đất Hà Nam, chỉ có núi Bài Thơ là thuộc Ninh Bình.

Chính Kẽm Trống có vẻ đẹp hữu tình, huyền ảo như vậy nên khi đi qua đây, Hồ Xuân Hương đã để lại những câu thơ nổi tiếng: “Gió dập cành cây khua lắc cắc/ Sóng dồn mặt nước vỗ long bong/Ở trong hang núi cong hơi hẹp/Ra khỏi đầu non đã rộng thùng/Qua cửa mình ơi nên ngoái lại/Nào ai có biết nỗi bưng bồng”. Không chỉ bà chúa thơ Nôm, rất nhiều tao nhân mặc khách khi qua Kẽm Trống cũng đã để lại bút tích ca ngợi, đến nay vẫn còn lưu dấu ở núi Bài Thơ.

Ngoài Kẽm Trống, Hà Nam còn có thắng cảnh Hang Luồn - Ao Dong (còn gọi là Động Thủy, thuộc xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Động - Thi Sơn. Động Thủy nằm sát Quốc lộ 21, cách TP Phủ Lý khoảng 12 km. Từ lâu, vẻ đẹp của Động Thủy đã được người dân địa phương và du khách xưng tụng.

Nằm gọn trong một thung lũng nhỏ, xung quanh là những dãy núi đá trùng điệp, xanh ngút ngàn, Động Thủy được chia làm 2 khu. Hang Luồn dài khoảng 400 m nhìn ra 2 quả núi đá. Trước cửa hang có một con kênh rất lớn. Mùa nước lớn, cả khu vực này biến thành một bến thuyền. Mùa nước cạn, du khách có thể dong thuyền vào hang ngắm những khối thạch nhủ lung linh, nhiều hình thù. Khi qua cửa hang, du khách sẽ đến Ao Dong huyền ảo rộng khoảng 300 mẫu, quanh năm nước trong xanh, khung cảnh hết sức thơ mộng với sông nước mây trời hòa quyện.

Gắn với nhiều huyền sử

Kẽm Trống không chỉ là thắng cảnh đẹp mê hồn mà còn gắn với nhiều huyền sử. Trong đó, con sông Đào dài gần 2 km, cả 2 đầu đều giáp với sông Đáy, chảy ôm núi Rùa và núi Cổ Động được hình thành từ nhiều câu chuyện khác nhau.

Theo sử sách chép lại, vào năm 1821, khi mới lên ngôi, ông vua trẻ Minh Mạng của triều Nguyễn đã mở cuộc tuần du từ kinh đô Huế ra Bắc Hà. Trên đường về, vua xuôi dòng sông Đáy để ghé thăm Kẽm Trống và Địch Lộng. Thế nhưng, được nghe và hiểu ra ý hóm hỉnh của bài thơ nôm mà Hồ Xuân Hương tả cảnh Kẽm Trống, vị vua trẻ đã hạ lệnh cho thuyền dừng lại, nhất định không chịu qua đoạn sông này. Sau đó, vua lệnh gấp cho viên quan địa phương đốc thúc nhân dân phải đào một con sông mới để thuyền ngự vượt qua.

Một truyền thuyết khác kể lại rằng thời nhà Lê có một vị tướng làng Đoan Vĩ đánh đâu thắng đấy, được triều đình phong đến chức quận công. Quanh khu vực Kẽm Trống lại có nhiều địa danh như bến Vua, ngòi Rồng... theo phong thủy là mảnh đất tốt. Thượng Chế là quan to của triều đình, một lần qua đây thấy vậy, sợ mảnh đất này phát, ngai vàng sẽ về tay quận công nên đã tâu với nhà vua bắt dân đào con sông trong một ngày một đêm để “triệt long mạch”.

Trong quần thể danh thắng Kẽm Trống, núi Trinh Tiết đứng độc lập, trên đỉnh có ngôi chùa tên Trinh Tiết sơn tự. Chùa này được người dân quanh vùng gọi là chùa Trinh Tiết hay Phật Tích. Chùa trông ra sông Đáy, được xây dựng lại dưới thời vua Lê Trung Hưng.

Theo sử sách, tháng 3 năm Mậu Dần (1389), Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông phải đi tu ở cung Bảo Thanh và nhường ngôi cho thái tử Trần An mới 3 tuổi. Trần Thị Bạch Hoa - chị gái của thái tử, mới 17 tuổi - được Hồ Nguyên Trừng thương tình, cho người đem thuyền chở đi lánh nạn. Tới Kẽm Trống, thấy phong cảnh hữu tình, bà cho thuyền đậu lại, chọn đất dựng chùa, dốc lòng thờ Phật, làm việc công đức. Về sau, bà mất tại đây. Vì thế, ngôi chùa mới có tên là Trinh Tiết. Trên chùa hiện có rất nhiều bài thơ được để lại của các vua chúa, danh sĩ ghé thăm như: Lê Thái Tổ (Lê Lợi), Minh Mạng, Trịnh Kiểm, Bùi Huy Bích, thi hào Nguyễn Du...

Thắng cảnh Hang Luồn - Ao Dong cũng có nhiều câu chuyện huyền bí. Sử sách địa phương ghi lại rằng Kim Bảng xưa từng là căn cứ của nghĩa quân bà Lê Chân thời Hai Bà Trưng. Sau khi Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông, nữ tướng Lê Chân đã đưa quân về vùng Thi Sơn lánh nạn, xây dựng căn cứ để phục thù. Bị quân địch truy đuổi, nữ tướng thất trận đã tự vẫn ở núi Giát Dâu (xã Lạt Sơn, huyện Kim Bảng ngày nay).

Bằng chứng về việc Hang Luồn từng là căn cứ năm xưa được củng cố thêm khi một công ty khai thác đá gần thắng cảnh này tìm thấy một chiếc trống đồng. Theo người dân trong vùng, nhiều người trong lúc đi chăn thả gia súc trên núi, đánh cá dưới Ao Dong đã phát hiện dao, kiếm, mũi giáo...

Đại công trường khai thác đá

Trong khi rất nhiều danh thắng quốc gia trên cả nước được đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị trong du lịch, kinh tế cho địa phương thì Kẽm Trống lại bị bỏ quên và có nguy cơ xóa sổ trong nay mai bởi tình trạng khai thác đá đang diễn ra tại đây. Kẽm Trống giờ không còn như bức tranh sơn thủy nữa mà là một đại công trường khai thác đá.

Đứng trên cầu Quất nhìn về Kẽm Trống, chúng tôi không khỏi thắt lòng khi chứng kiến danh thắng này chìm trong khói bụi. Tiếng mìn phá đá, tiếng máy xay đá ầm ĩ. Dưới sông Đáy, từng đoàn thuyền lớn tấp nập ra vào lấy đá.

Kẽm Trống ngày càng biến dạng thảm hại. Núi Rùa đã bị cụt đầu. Dãy Vắt Ra có nguy cơ xóa sổ vì hiện nay, nửa quả núi thuộc tỉnh Ninh Bình đã được giao cho một doanh nghiệp khai thác đá...

Hang Luồn - Ao Dong cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thắng cảnh này ngày càng tơi tả bởi việc khai thác đá. Động Thủy thường chìm trong khói bụi sau những tiếng mìn phá đá. Cảnh sơn thủy hữu tình đã biến mất, thay vào đó là tiếng máy nghiền, máy xúc, máy sàng đá... gầm rú vang động núi rừng.

Nhiều quả núi quanh Động Thủy cũng đã bị san phẳng. Con đường mòn hoang sơ dẫn vào hang đã bị một doanh nghiệp khai thác đá san phẳng mở đường làm băng chuyền đá xuống nhà máy xi măng. Đường xuống Hang Luồn cũng bị đá vùi lấp. Ao Dong giờ không còn xanh nữa mà chuyển dần sang màu đục lờ đờ của bụi đá...

Ông Đỗ Văn Khánh - ngụ thôn Trung Hiếu, xã Thanh Hải (nhà sát dãy Vắt Ra), tỏ ra rất xót xa trước cảnh Kẽm Trống đang ngày đêm bị “xẻ thịt”. “Ngày trước, Kẽm Trống còn có nhiều người tới tham quan nhưng mấy năm nay, khi danh thắng này suốt ngày rung chuyển do phá đá nổ mìn, bụi mù mịt nên chẳng còn ai. Việc phá đá nổ mìn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh thắng mà nó còn tác động đến cuộc sống của người dân. Nhiều hôm, bên kia nổ mìn, nhiều tảng đá to như cái giường lăn ầm ầm từ trên núi xuống. Nhiều hộ dân nhà cửa nứt rung lên bần bật mỗi khi có mìn nổ” - ông Khánh lo ngại.

Bên giữ, bên phá

Theo ông Trần Văn Thắm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, Kẽm Trống thuộc địa bàn 2 tỉnh Hà Nam và Ninh Bình. “Chúng tôi đã cấm khai thác đá từ lâu. Công trường khai thác hiện nay thuộc phía Ninh Bình. Xã đã có nhiều văn bản gửi huyện Thanh Liêm và tỉnh Hà Nam, đề nghị làm việc với phía Ninh Bình. Tuy nhiên đến nay, hai bên vẫn chưa thống nhất với nhau và người ta vẫn cứ khai thác đá” - ông Thắm băn khoăn.

Chân núi Bài Thơ biến thành bãi tập kết đá
Chân núi Bài Thơ biến thành bãi tập kết đá

Ông Nguyễn Văn Khương, cán bộ văn hóa xã Thanh Hải, cho rằng danh thắng thuộc 2 tỉnh nhưng bên giữ, bên phá thì làm sao bảo vệ được. Theo ông, đã có nhiều doanh nghiệp về địa phương tìm hiểu để xây dựng khu du lịch sinh thái nhưng khi thấy danh thắng bị phá nham nhở, họ chẳng quay lại nữa.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo