Đúng vào Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng (9-12), Thanh tra Chính phủ và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Chung tay phòng chống tham nhũng vì sự phát triển”.
Trả lời những thắc mắc của phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh việc Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) vừa công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng 2014 (CPI 2014) cho thấy điểm số CPI của Việt Nam trong 3 năm liên tiếp (2012 - 2014) không thay đổi, tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng kết quả mà TI công bố phù hợp với đánh giá của Việt Nam về công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua.
“Trong 3 năm qua, chúng ta không tụt, không tăng, nghĩa là có tính ổn định. Chúng ta không hài lòng về kết quả này và phải thấy rằng công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được kết quả như mong muốn là từng bước đẩy lùi” - ông Tranh nhìn nhận.
Theo ông Tranh, báo cáo trước Quốc hội mới đây, Chính phủ đã đưa ra 9 nhóm giải pháp quan trọng, phải thực hiện đồng bộ trong năm 2015 mới mong đạt những kết quả tốt đẹp.
Trong khi đó, ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết ngay sau khi có thông tin CPI 2014, trong đó Việt Nam đạt 31/100 điểm, Thủ tướng đã nhắc nhở về việc này. Theo ông Lượng, dù đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, một số lĩnh vực đã có chuyển biển nhưng tham nhũng vẫn khiến người dân bức xúc. Đặc biệt là tham nhũng vặt, tham nhũng trong lĩnh lĩnh vực y tế, tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước… thời gian qua còn gây thiệt hại lớn cho nhà nước, người dân và xã hội.
Tại cuộc tọa đàm, ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, cho biết chủ đề của Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng năm nay là “Phá vỡ chuỗi tham nhũng”. “Tham nhũng gây tổn hại cho tất cả chúng ta. Ngăn chặn tai họa này và tìm cách lấy lại những gì đã mất là trách nhiệm của mọi người. Các chính phủ và công chúng đều có vai trò then chốt trong chống tham nhũng, phải tiếp tục kiên định để phá vỡ chuỗi tham nhũng” - ông Bakhodir Burkhanov nhấn mạnh.
Ông Bakhodir Burkhanov dẫn lại chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2014 ở Việt Nam (chỉ ra rằng cứ 4 người Việt Nam thì có một người cho rằng tham nhũng đang là vấn đề kinh tế - xã hội nghiêm trọng nhất) để khẳng định vai trò của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Trong khi đó, bà Đào Nga, Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam, cho rằng dân chúng là những người chịu tác động trực tiếp và nhiều nhất bởi tham nhũng. “Mọi nỗ lực chống tham nhũng đều không thể thành công nếu không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và có sự tham gia của người dân” - bà Nga bày tỏ.
Tuy nhiên, bà Nga cũng thừa nhận thực tế hiện nay, phần đông người dân ngại tố cáo tham nhũng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ khoảng hơn 30% người dân Việt Nam sẵn sàng tố cáo, trong khi các nước cùng khu vực dao động khoảng 60%-70%. “Người dân không tin tưởng vào cách giải quyết của cơ quan nhà nước và sợ bị trả thù, trong khi quy định về việc bảo vệ họ còn chung chung, khó thực hiện” - bà Nga nhận xét.
Chỉ xếp trên Lào, Campuchia và Myanmar
Ngày 3-12, TI đã công bố CPI 2014 xếp hạng 175 quốc gia, vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ. Theo đó, Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Trong số 9 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á được đánh giá năm nay, Việt Nam đứng thứ 6, chỉ trên Lào, Campuchia và Myanmar.
Bình luận (0)