Chính phủ vừa có báo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIII. Ngay phần đầu của báo cáo, Chính phủ đã khẳng định: “Tác hại của tham nhũng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, đe dọa sự tồn vong của chế độ”.
Theo Chính phủ, sau 5 năm Luật PCTN có hiệu lực (ngày 1-6-2006), công tác PCTN đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận việc công khai, dân chủ trên một số mặt còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật Nhà nước để không thực hiện việc công khai và minh bạch.
Theo báo cáo trên, qua kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tại 23.522 cơ quan, đơn vị, đã phát hiện và xử lý 1.704 cơ quan, đơn vị vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động. Tiến hành 35.753 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã phát hiện 897 vụ vi phạm; xử lý kỷ luật 1.015 cán bộ, công chức, viên chức; xử lý hình sự 64 cán bộ, công chức, viên chức.
Trong 5 năm, cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, kỷ luật 577 trường hợp. Một số địa phương xử lý nhiều người đứng đầu gồm: Quảng Nam (77 người), Bình Thuận (46 người), Bắc Giang (41 người), Đắk Lắk (38 người), Cao Bằng (31 người)…
Báo cáo nêu rõ: “Trong 5 năm, toàn ngành thanh tra cùng các cấp, ngành đã triển khai 62.994 cuộc thanh tra, kiểm tra. Kết quả phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên các lĩnh vực; kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.619 tập thể, 11.973 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 464 vụ việc; kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước 20.743,8 tỉ đồng, 3.793.978 USD…
Theo Chính phủ, từ năm 2006 đến ngày 31-10-2011, Kiểm toán Nhà nước đã có 743 cuộc kiểm toán, qua đó phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 100.000 tỉ đồng.
Mở rộng diện kê khai tài sản Bên cạnh những mặt đạt được, Chính phủ cũng thừa nhận công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn hạn chế, yếu kém; hiệu quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao; các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở và là đối tượng trực tiếp thực hiện; số vụ việc, vụ án có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít; việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn chiếm tỉ lệ cao… Theo Chính phủ, trong thời gian tới, để công tác PCTN có hiệu quả, cần quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản so với những lần kê khai trước; mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, bao gồm tất cả người có chức vụ, quyền hạn. Đặc biệt, cần bổ sung quy định về việc công khai tại nơi cư trú đối với bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. |
Bình luận (0)