Ngày 17-11, tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (SPC EVN) đã khởi công dự án đường cáp điện ngầm 110 KV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc dài 57,33 km. Đây là dự án cáp ngầm xuyên biển đầu tiên tại Việt Nam và dài nhất Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư 2.336 tỉ đồng. Riêng phần cáp ngầm xuyên biển là 1.932 tỉ đồng do nhà thầu Prysmian Powerlink SRL (Ý) đảm trách.
Công nghệ hiện đại
“SPC EVN đã nhận được sự trợ giúp từ các đơn vị quân đội, Cảng vụ Kiên Giang và Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Tây Nam Bộ để tiến hành khảo sát biển, xác định tọa độ tuyến, cảnh giới, dọn dẹp lưới - bẫy đánh cá, rà phá bom mìn trên đất liền và dưới đáy biển, dọn dẹp chướng ngại vật trôi nổi… Chúng tôi cũng đã lắp đặt hệ thống phao tiêu, cảnh báo tàu bè và ngư dân không đi lại hoặc thả lưới đánh bắt hải sản trong khu vực thi công lắp đặt cáp ngầm” - ông Thái cho biết.
Theo ông Thái, có nhiều phương pháp tiến hành dự án: Rải và chôn cáp đồng thời, rải cáp trước rồi chôn hoặc đào rãnh trước rồi chôn cáp sau. Trong đó, nhà thầu chọn phương pháp tối ưu là rải và chôn cáp đồng thời dưới đáy biển.
Với phương pháp này, rô-bốt chôn cáp được thả xuống đáy biển, bên trên có tàu rải cáp chuyên dụng chạy trước, kéo theo tuyến cáp đã thiết kế bằng các neo điều khiển hướng theo hệ thống định vị toàn cầu GPS. Khi tàu rải cáp, đồng thời kéo rô-bốt bên dưới đáy biển bằng cáp lai dắt, hệ thống ống phun nước cao áp trên 2 thân cày đặt 2 bên thân cáp tạo nên rãnh có độ sâu theo chế độ cài đặt.
Sợi cáp sẽ luồn qua thân rô-bốt và được thả xuống đáy rãnh (hoặc tì trượt xuống với loại máy chôn cáp có cơ cấu đào dạng lưỡi cày hay bánh xích) ở phía sau. Rô-bốt chôn cáp di chuyển về phía trước, tiếp tục phun nước cao áp tạo rãnh, lượng đất cát xói lở sẽ được ống phun định hướng đẩy về phía sau lấp đầy rãnh này. Tất cả quy trình đào rãnh, thả, chôn cáp được thực hiện liên tục và đồng thời. Độ sâu chôn cáp có thể điều chỉnh bằng 2 chân trượt thủy lực phía trước rô-bốt, tối đa có thể chôn sâu 3 m dưới đáy biển.
Quy trình đào, chôn cáp được giám sát, điều chỉnh từ tàu chuyên dùng. Theo ông Thái, phương pháp này giảm thiểu tối đa hư hỏng cáp ngầm nhưng chi phí đầu tư cao do công nghệ phức tạp. Sau khi đặt xong phần cáp ở vùng nước sâu, càng vào gần khu vực nước cạn hoặc tiếp bờ, việc chôn cáp được thực hiện theo công nghệ đào rãnh trước, chôn sau. Rãnh cáp sẽ được đào sẵn theo độ sâu thiết kế bằng các thiết bị chuyên dụng, sau đó cáp được rải xuống và lấp đất lại.
Biển Phú Quốc không sâu nên cáp ngầm sẽ được chôn dưới đáy 0,8-1,5 m. Việc chở, rải cáp được đội ngũ kỹ sư, thủy thủ tàu Giulio Verne thực hiện. Tàu này dài 133 m, rộng 30 m, trọng tải 10.617 tấn, có 6 điểm neo, được trang bị hệ thống định vị tự động và các rô-bốt lặn điều khiển từ xa. Với chiều dài tuyến cáp ngầm 55,813 km, dự tính mỗi ngày, tàu Giulio Verne có thể rải, chôn khoảng 1 km cáp.
Dân đang xài điện giá 25.000 đồng/KWh!
Dự án cáp ngầm Hà Tiên - Phú Quốc bao gồm đường dây 110 KV Kiên Lương - Hà Tiên dài 18,2 km, 2 trạm biến áp 110 KV Hà Tiên và Phú Quốc, đoạn đường dây 110 KV từ trạm biến áp Hà Tiên đến trụ đấu nối cáp ngầm, đường dây 110 KV Hàm Ninh - Phú Quốc dài 7,6 km… Các hạng mục này đã hoàn tất, chỉ chờ kết nối với cáp ngầm.
“Việc thi công lắp đặt cáp ngầm 110 KV sẽ hoàn thành trong tháng 1-2014, vượt kế hoạch 6 tháng. Đến tháng 4-2014, người dân trên đảo Phú Quốc sẽ được dùng điện lưới quốc gia” - ông Thái khẳng định.
Theo thống kê của SPC EVN, hiện nay, 20.938 hộ dân (88,44%) trên đảo Phú Quốc có điện từ nguồn diesel tại chỗ. Từ năm 2002 đến nay, SPC EVN đã đầu tư 226,8 tỉ đồng để phát triển điện tại đây. Giá điện bán trên đảo bình quân 5.060 đồng, điện sản xuất kinh doanh - dịch vụ 7.992 đồng/KWh. Tuy nhiên, tại vài khu vực, người dân tự đầu tư kinh doanh và bán điện với giá lên đến 25.000 đồng/KWh, trong khi giá bình quân ở đất liền chỉ 1.509 đồng/KWh.
Chùn tay đầu tư vì thiếu điện Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết hiện Phú Quốc có 13 dự án khu du lịch, trong đó chỉ Khu Du lịch Bà Kèo ở thị trấn Dương Đông là có điện. Việc thiếu điện khiến nhiều tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư du lịch vào Phú Quốc phải chùn tay. Hiện cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đã đi vào hoạt động nên lượng khách tăng 30% so với trước đây. Ước tính đến năm 2015, trên đảo sẽ có 6.000 phòng dành cho du khách… Khi có điện từ đất liền kéo ra, không những các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có cơ hội phát triển mà đời sống của người dân “đảo ngọc” chắc chắn cũng sẽ được cải thiện. |
Bình luận (0)