Dành hai giờ trong chiều tối 6-3 để trả lời Tuổi Trẻ, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã cung cấp những thông tin mới nhất về chính sách vĩ mô. Đó là VND sẽ lên giá so với USD, chứng khoán sẽ tăng giá, tín dụng tăng trưởng 30% nhưng có linh hoạt; chỉ siết tín dụng đối với người đầu cơ bất động sản...
-Thưa Phó thủ tướng, thị trường chứng khoán hiện mất giá và u ám bởi tác động của một số chính sách vĩ mô. Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này thế nào?
- Chính sách tiền tệ vẫn mở với thị trường chứng khoán (TTCK). Cụ thể là chính sách cho vay đầu tư chứng khoán vẫn áp dụng, nhưng chỉ cho vay trong phạm vi an toàn mà Ngân hàng (NH) Nhà nước đã công bố. Việc lập NH và các công ty chứng khoán mới vẫn khuyến khích và không thay đổi quan điểm so với trước đây. Vấn đề là chúng ta sẽ đưa các hoạt động đó vào khuôn khổ thông qua việc thiết lập những chuẩn mực, thậm chí áp dụng chuẩn mực quốc tế. Cụ thể chuẩn mực như thế nào thì NH Nhà nước và các cơ quan hữu quan sẽ ban hành. Việc siết chặt quản lý chỉ nhằm loại bỏ những đơn vị có động cơ làm ăn không tốt, tiềm lực quá yếu kém.
- VND tiếp tục lên giá đang tác động không nhỏ đến các nhà xuất khẩu, liệu chúng ta sẽ chấp nhận tiếp tục điều hành tỉ giá VND sẽ mạnh lên với USD và các ngoại tệ khác?
|
- Chính sách tiền tệ của chúng ta trong lúc này phải chặt chẽ, chủ động và cực kỳ linh hoạt. Chặt chẽ không có nghĩa là thắt chặt, không được cho tăng trưởng tín dụng quá cao, năm nay chỉ đạt 30%. Đồng thời tính thanh khoản của tiền đồng phải được đảm bảo, NH Nhà nước phải là người cho vay cuối cùng để cho vay thanh toán không bị ách tắc.
Việc mua bán ngoại tệ phải thực hiện để đáp ứng nhu cầu phát triển, không được đóng cửa việc mua bán này. Tuy nhiên, việc mua bán phải có kiểm soát để dòng tiền này thật sự vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp...
Mặt khác, tỉ giá phải chấp nhận được trong biên độ cho phép ±2%, có thể là 0,75% như hiện nay hoặc 1%, 1,5%... tùy theo yêu cầu của việc lưu thông tiền tệ. Chính vì vậy phải điều chỉnh tỉ giá VND thật linh hoạt để có lợi nhất cho sản xuất phát triển kinh tế, chứ không đóng khung là chỉ có xuống giá có lợi cho xuất khẩu hoặc chỉ lên giá để lợi nhập khẩu. Thống đốc NH Nhà nước sẽ được giao trọng trách này để điều hành hợp lý, làm sao dòng ngoại tệ chảy vào đầu tư trong sản xuất, mua cổ phần, cổ phiếu... không được tắc. Trước mắt, tiền đồng sẽ lên giá và sức ép vào doanh nghiệp sẽ cao hơn. Việc tiền đồng lên giá có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu.
- Có mâu thuẫn không khi chúng ta chấp nhận cho VND tăng giá, điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhưng vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 25% trong năm nay?
- Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải khôn ngoan tranh thủ thời cơ lựa chọn thị trường để tính toán cho phù hợp. Lúc này quan hệ giữa xuất nhập khẩu có mấy vấn đề, nếu hãm nhập khẩu tức là hãm nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, sắt thép phục vụ sản xuất, điều đó không thể được.
Nhưng tiền đồng lên giá có mặt lợi giúp chúng ta có thể mua vào bán ra đồng ngoại tệ dễ dàng hơn, đặc biệt dòng vốn đầu tư gián tiếp đang đổ vào nước ta hiện nay. Vấn đề ở đây là Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng tính toán, làm sao để giá các mặt hàng xuất khẩu phải bán được mức cao nhất. Chẳng hạn, mặt hàng gạo, đồ gỗ, cà phê, cá... chúng ta hoàn toàn có thể bán giá cao được. Chỉ đau cho chúng ta là nhập khẩu rẻ sẽ làm cho cán cân xuất nhập khẩu mất cân đối dẫn đến nhập siêu, vì vậy chúng ta phải kiểm soát nhập khẩu, chỉ nhập những nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và hạn chế hàng tiêu dùng.
- Lãi suất hiện quá cao đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh. Việc này sẽ được kiểm soát và điều chỉnh như thế nào, thưa Phó thủ tướng?
- Nếu vừa qua kiểm soát tốt thị trường tín dụng thì đã không để xảy ra tình trạng nhiều NH đổ xô tăng lãi suất huy động. Vì vậy, sắp tới sẽ kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động, không cho tăng nữa. Tôi có chỉ đạo cho thống đốc NH Nhà nước mức trần huy động 12%/năm là hiện nay, còn từ nay đến cuối năm phải điều chỉnh xuống. Nếu không, NH sẽ cho vay với mức 20-30%/năm thì chết doanh nghiệp.
Sắp tới NH Nhà nước phải kiểm soát chặt, nếu NH nào không tuân thủ sẽ rút giấy phép hoạt động. Mức lãi suất cho vay sắp tới phải ở mức doanh nghiệp có thể chịu đựng, không thể để doanh nghiệp cố gồng gánh sẽ ảnh hưởng sự phát triển của nền kinh tế.
- Trong công điện của Thủ tướng có nội dung chống đầu cơ bất động sản thông qua việc kiểm soát tín dụng... Việc này được hiểu như thế nào, thưa Phó thủ tướng?
- Nghĩa là NH Nhà nước sẽ kiểm soát các NH thông qua các biện pháp nghiệp vụ, còn các NH phải kiểm soát hoạt động của chính mình. Nếu NH nào vừa qua cho vay không an toàn thì NH Nhà nước sẽ xử lý.
Thực tế, thị trường nào cũng cần nhiều cung cầu, nên phải rất thông thoáng về đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư bỏ tiền vào làm ăn thật, nhưng chống tình trạng bỏ tiền vào giữ chỗ. Đồng ý việc cho gọi vốn, nhưng công trình đó phải làm xong móng, xong nhà và trong một thời gian ngắn sau phải giao nhà. Còn chuyện mua bán lòng vòng thì phải kiểm soát và có đóng thuế.
Với thị trường bất động sản, những dự án cho vay đầu cơ như vay tiền để xin dự án đền bù giải tỏa, sau đó chờ bán, hay vay để buôn nhà thì phải siết chặt. Nhưng nếu vay để đầu tư thật sự, vay mua nhà để ở... thì không hạn chế.
- Lạm phát cao có nguyên nhân từ chi tiêu công. Chính phủ giải quyết vấn đề này ra sao?
- Chi tiêu công chủ yếu là cho cơ sở hạ tầng. Mục tiêu này không sai. Thậm chí thực hiện càng nhanh càng tốt. Vấn đề là tập trung đầu tư vào đâu cho hiệu quả lớn nhất, sớm nhất. Chủ trương của Chính phủ là không giảm khối lượng đầu tư công mà điều chuyển vốn đầu tư đúng chỗ, đúng dự án. Dự án nào cần nhanh thì lấy vốn ở dự án có thể chưa cần hoặc ở những dự án phải cân đối, điều chỉnh để đầu tư trọng điểm, trọng tâm.
Những dự án có sai sót hoặc chưa tính toán kỹ hiệu quả hay những vi phạm khác thì sẽ được rà soát, phân loại xử lý triệt để. Những nguồn chi tiêu công khác thì chúng ta đã đề ra mức cắt giảm 10% của năm 2008. Công tác chống lãng phí, tham nhũng cũng kiên quyết siết chặt hơn, xử lý nghiêm khắc hơn.
- Tăng trưởng sẽ là bao nhiêu khi chúng ta đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn?
- Tùy từng hoàn cảnh chúng ta có thể điều chỉnh các mục tiêu. Vấn đề lớn nhất là tính đến kết quả toàn cục và lâu dài chứ không nên trói buộc vào những con số cứng nhắc. Chúng ta chống lạm phát, lành mạnh hóa nền kinh tế, đồng thời tranh thủ nắm bắt cơ hội tăng trưởng là đúng. Tuy nhiên cần vận dụng một cách linh hoạt để theo đuổi, cân đối các mục tiêu.
Nhiều quốc gia đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Chúng ta chưa làm việc này nhưng chúng ta xác định khó khăn tuy không tránh khỏi, song chỉ là tạm thời. Vượt qua những thử thách trước mắt, ổn định nền tảng, chúng ta có thể đạt kết quả đẹp và bền vững về lâu dài.
- Xin cảm ơn Phó thủ tướng.
- Việc Chính phủ thông qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước để mua cổ phiếu có ý nghĩa gì, thưa ông?
- Chúng ta không xem động thái này là Chính phủ cứu TTCK, mà đây là Chính phủ sử dụng công cụ phù hợp với kinh tế thị trường để điều tiết TTCK theo hướng lành mạnh hóa nó. Tương tự như vậy, việc Chính phủ tạm hoãn thời hạn phát hành cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước là chúng ta sử dụng công cụ, tức là sử dụng nguồn cổ phiếu của mình để điều tiết nguồn cung trên thị trường. Nhà nước luôn tôn trọng qui luật thị trường và chỉ điều tiết nó bằng công cụ của mình. Với những chính sách điều chỉnh thị trường hiện nay, tôi đảm bảo TTCK sẽ lên giá và có chất lượng hơn. Nếu là nhà đầu tư chứng khoán thì lúc này tôi sẽ mua cổ phiếu. |
Bình luận (0)