Ngày 12-1, Công an quận 10, UBND quận 10 và đại diện Trường ĐH Bách khoa TP HCM đã làm các thủ tục pháp lý để gia đình đưa 4 sinh viên thiệt mạng trong vụ nổ xảy ra chiều 11-1 về quê an táng.
Có mặt tại Nhà tang lễ An Bình (quận 5) từ sáng sớm, chị Bùi Thị Bích Phượng (chị của sinh viên Bùi Quốc Lợi) đứng không nổi sau khi vào phòng nhận xác em trai. Chị Phượng nghẹn ngào: “Thằng Lợi nói lên làm bài tập rồi sẽ về nhà ăn Tết, vậy mà lần này nó đi mãi mãi ”.
Đau khổ không kém, các anh của nạn nhân Nguyễn Hoàng Nhân (SN 1992) lặng người khi vào nhìn em mình lần cuối. Một người anh của Nhân nói: “Thằng Nhân ham học lắm. Hồi thi rớt ĐH, nó ở nhà phụ cha mẹ làm đồng để góp tiền cho mùa thi sau. Rồi nó đậu vào hệ tại chức của Trường ĐH Bách khoa TP HCM trong niềm vui của gia đình. Khi nhận được tin em gặp nạn, cha mẹ tôi không thể nào tin nổi, ông bà hết mê rồi tỉnh, tỉnh lại mê rồi nói như người mất hồn”.
Khuôn mặt già nua, đen đúa, ông Đoàn Văn Học (cha nạn nhân Đoàn Văn Hiếu) nghẹn giọng khi gọi điện thoại về cho vợ: “Con vẫn nguyên vẹn, ở nhà bà cứ lo chuyện hậu sự. Tôi đang chờ công an làm các thủ tục để đưa con ra xe”. Tắt điện thoại, ông Học ôm mặt khóc nức nở và cho biết con mình bị cháy đen, không thể nhận dạng, gia đình chỉ xác định được bởi chiếc nhẫn Hiếu đeo trên tay.
Lời nói để an ủi vợ của ông Học khiến những người đứng gần ông cũng không cầm được nước mắt. Ông cho biết Hiếu là con trai lớn và rất ham học, thấy cha mẹ cực khổ nên Hiếu thường gọi về dặn dò: “Ba mẹ ráng lo cho mấy em, con ở Sài Gòn tranh thủ làm thêm nên cũng gói ghém được tiền trọ và tiền ăn, đừng lo cho con”.
Ông Ngô Văn Thu (cha của sinh viên Ngô Quang Thiện) yếu ớt trong vòng tay của gia đình khi đến nhà tang lễ đưa con về Gia Lai. Cứ vài phút, ông lại nhận được cuộc gọi của người thân hỏi thăm việc nhận thi thể con. Sau mỗi cuộc điện thoại, ông lại ôm mặt khóc rồi thầm gọi tên con.
Ông Võ Ngọc Thanh, Chánh Văn phòng UBND quận 10, cho biết: “Từ lúc xảy ra vụ tai nạn đau lòng, chính quyền địa phương cử người túc trực tại hiện trường và bệnh viện. Trước những mất mát quá to lớn này, quận hỗ trợ mỗi gia đình có sinh viên thiệt mạng 10 triệu đồng. Riêng những gia đình quá khó khăn, chúng tôi cùng nhà đòn hỗ trợ quan tài và xe tang đưa nạn nhân về quê".
Ông Võ Tấn Thông, Trưởng Phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết đây là mất mát to lớn của toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên của trường. Từ lúc xảy ra tai nạn, nhà trường đã bố trí cán bộ, sinh viên túc trực, thăm hỏi thân nhân các sinh viên gặp nạn, hỗ trợ mỗi trường hợp 10 triệu đồng, đồng thời theo gia đình đưa thi thể nạn nhân về quê an táng.
Có thể nổ do lỗi ở khâu bảo quản
Thượng tá Đinh Văn Ngàn, Trưởng Phòng Tham mưu kiêm phát ngôn của Sở Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết: “Qua khám nghiệm hiện trường, theo nhận định ban đầu, đây là các loại hóa chất để chế tạo pháo. Về tầm sát thương của các loại hóa chất chỉ có thể xác định sau khi biết khối lượng và tên hóa chất được tàng trữ. Hiện Sở Cảnh sát PCCC vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra”.
Cũng theo Thượng tá Ngàn, việc “quản lý, sử dụng pháo” đã được quy định tại điều 4 Nghị định 36/2009/NĐ-CP ban hành ngày 15-4-2009 của Chính phủ. Theo đó, nghiêm cấm các hành vi sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ, các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa.
ThS Tạ Thủy Nguyên, Viện Hóa học Việt Nam, cho biết hóa chất làm pháo gây cháy, nổ tùy thuộc vào điều kiện môi trường, hàm lượng của các chất này đủ lớn, tiếp xúc với nhau mới có thể gây cháy nổ. Trong điều kiện bảo quản không kỹ như phòng trọ thì những chất này có thể gây cháy, nổ.
T.Tiến - C.Trung
Bình luận (0)