Trước sự chứng kiến của chúng tôi, anh T. lấy chai cồn y tế 90 độ hòa vào ca đựng 1 lít nước lã rồi rắc vào đó một ít bột thuốc tím dùng để rửa rau quả và khuấy đều. Dung dịch cồn 90 độ và nước lã nhanh chóng chuyển sang màu tím. Chừng 30 phút sau, dung dịch trong ca, bắt đầu kết tủa, và chuyển dần sang màu nâu đặc trưng của... rượu thuốc, mùi cồn dịu đi. Theo anh T., dung dịch này chỉ cần pha thêm chút rượu cốt ngâm thuốc bắc là có thể mang ra bán với giá... 4.000 đồng/lít.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, quyền Trưởng Khoa Kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cho biết hiện nay tình trạng sử dụng cồn công nghiệp để sản xuất rượu dỏm rất khó phát hiện nếu người dân và chính quyền địa phương không thông báo với ngành chức năng. Việc sử dụng cồn 90 độ, nước lã và thuốc tím rửa rau quả để “sản xuất” rượu đế có tác hại rất khó lường. Tuy thuốc tím là chất ít gây hại cho cơ thể con người nhưng cồn công nghiệp có nồng độ métanol, furfuron, aldehyd rất cao (mức cho phép métanol trong rượu là từ 0,06 mg đến dưới 0,1 mg/lít). Việc sử dụng cồn công nghiệp sản xuất rượu đế dỏm bị nghiêm cấm vì dễ gây ra tình trạng ngộ độc rượu (nồng độ métanol từ 1 g/lít sẽ làm người uống hoa mắt, chóng mặt và dẫn đến tử vong). Tuy nhiên, trên thực tế những người chế biến rượu đế dỏm vẫn bất chấp hậu quả đối với sức khỏe người tiêu dùng. Bằng chứng là trong 9 tháng qua, toàn TP Cần Thơ đã xảy ra 14 ca ngộ độc rượu, trong đó có 1 ca tử vong.
Bình luận (0)