Dân ở làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) nhớ rất rõ trong câu chuyện kể với con cháu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những bậc cao niên luôn nhắc đến việc lần nào về thăm quê ông cũng mời bạn đồng niên tới hàn huyên, đối đãi rất ân nghĩa, đặc biệt ông nhớ rõ gia cảnh từng người. Qua những câu chuyện bên ấm chè xanh, dân làng càng ngưỡng mộ ông bởi dù bận trăm công nghìn việc mà vẫn trăn trở cùng những vất vả của dân làng.
Sống trong lòng dân
Các cán bộ của huyện Lệ Thủy những năm 1983 nhớ khi di dời mộ thân phụ của Đại tướng từ TP Huế về nghĩa trang của huyện, lãnh đạo huyện muốn báo đáp công lao của cụ nên định đặt mộ vào phần đất dành cho các anh hùng. Nghe vậy, Đại tướng nói rất chân tình mà dứt khoát: “Bố tôi chỉ là liệt sĩ. Phải đặt đúng chỗ chứ!”. 10 năm sau, khi di dời tiếp mộ của thân mẫu Đại tướng về, lãnh đạo địa phương muốn đưa mộ cụ vào nghĩa trang của huyện cho gần cụ ông. Biết tin này, Đại tướng lại can: “Không được, mẹ tôi không phải là liệt sĩ nên không thể nằm trong nghĩa trang”. Sau đó, gia đình an táng mộ cụ gần nghĩa trang. Thấy vậy, địa phương ngỏ ý muốn mở một cửa thông từ nghĩa trang về phía mộ cụ bà để gia đình tiện thăm nom nhưng Đại tướng không chịu: “Chỉ có gia đình chúng tôi đi. Mọi người đừng bận tâm”.
Một lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kể khi phục dựng căn nhà đang là nơi thờ tự của của gia đình Đại tướng, tỉnh muốn dùng gỗ lim cho bền và cũng là thứ sẵn có ở rừng địa phương. Biết việc này, Đại tướng kiên quyết không đồng ý, nói làm thế sẽ trở thành tiền lệ cho mọi người dùng gỗ lim dựng nhà, gây ảnh hưởng xấu đến rừng. Ông gợi ý vườn quê có nhiều gỗ mít - thứ gỗ đã bền lại thanh thoát, qua bàn tay khéo léo của thợ An Xá thì có kém gì gỗ lim. Vậy là thay vì xây một căn nhà thờ thật khang trang để bày tỏ tình cảm của cán bộ và nhân dân tỉnh nhà với gia đình Đại tướng, rốt cuộc chỉ là căn nhà lợp mái đơn sơ, bình dị như mọi ngôi nhà trong làng An Xá.
Giải thích những chuyện như trên, Đại tá Nguyễn Huyên - thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 35 năm - nói Đại tướng luôn ghi tâm câu nói mà Bác Hồ dặn: “Chú Văn ạ! Làm cách mạng phải “dĩ công vi thượng” (lấy việc chung làm đầu) và “Có dân là có tất cả”. Bởi thế, ông luôn giữ mình liêm khiết, dứt khoát không lợi dụng tiếng tăm, vị trí để mưu lợi.
Ông Nguyễn Tư Pháp, cựu Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, nhớ lại: Năm 2002, nhân dịp thăm quê, Đại tướng nói lúc nhỏ ông thường núp dưới bóng cây dọc bờ sông để học bài, dòng sông nên thơ ấy đã thành ký ức đẹp của bao người. Bây giờ, quán xá lấn chiếm nhiều quá lại thêm rác rưởi ô nhiễm nên phải vận động dân trả lại cho sông được như ngày xưa. Nghe thế, huyện mời cán bộ và dân của 5 xã dọc sông phổ biến lời dặn của Đại tướng. Lâu nay tưởng phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để giải tỏa mới làm nổi mà địa phương thì còn nghèo, hóa ra chỉ trong một tuần, dân tự tháo dỡ 112 quán dọc bờ sông, trong đó có nhiều hàng quán kiên cố. Điều đó cho thấy dân mến mộ và tin lời Đại tướng đến mức nào…
Hết mực yêu thương cán bộ, chiến sĩ
Đại tá Phạm Văn Ngà, bác sĩ riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1965 đến 1995, nhận xét: “Ông rất thương người, coi mọi người như anh em, không phân biệt, không tỏ thái độ mình là cán bộ cao cấp; đối xử với anh em từ cấp dưỡng đến cán bộ, chiến sĩ rất bình dị, thoải mái”. Còn theo Đại tá Nguyễn Huyên thì Đại tướng rất nghiêm khắc, quyết đoán trong công việc nhưng chưa bao giờ thấy ông nổi nóng với cán bộ, chiến sĩ.
Khi quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Đại tướng không chỉ ra lệnh, duyệt phương án tác chiến mà còn lo lắng cho từng cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số. Ông dặn đi dặn lại mọi người ngoài việc mở đường phải bí mật thì dứt khoát không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Khi con tàu không số đầu tiên đến Vàm Lũng (tỉnh Cà Mau) ngày 19-10-1964, nhận tin báo từ Khu ủy Khu 9 tàu đến nơi an toàn, Đại tướng đang họp mà hai mắt nhòa lệ. Ông khóc vì suốt những ngày qua luôn lo lắng trước gian lao và sinh mệnh của bộ đội.
Chính vì tình yêu thương cán bộ, chiến sĩ vô bờ bến nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ thu phục được toàn quân sẵn sàng vì nước quên thân, vì dân phục vụ bằng mệnh lệnh của một tướng lĩnh mà còn chính bằng tấm lòng của một người anh cả.
Quốc tang trong 2 ngày
Theo thông báo phát đi hôm qua (5-10) của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tên khai sinh: Võ Giáp; bí danh: Văn) sinh ngày 25-8-1911, quê xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII; đã từ trần hồi 18 giờ 9 phút ngày 4-10-2013; hưởng thọ 103 tuổi.
Tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức với nghi thức Quốc tang. Ban Lễ tang gồm 30 người do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Linh cữu quàn tại Nhà Tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12-10 và lễ truy điệu bắt đầu từ 7 giờ ngày 13-10-2013; lễ an táng tổ chức cùng ngày tại quê nhà (tỉnh Quảng Bình). Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu tại TP Hà Nội, sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình và Hội trường Thống nhất TP HCM.
Trong 2 ngày Quốc tang (từ 12 giờ ngày 11 đến 12 giờ ngày 13-10-2013), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí.
L.Duy |
Một người phi thường
Truyền thông thế giới tiếp tục có nhiều bài viết ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi ông từ trần HOÀNG PHƯƠNG Báo The Wall Street Journal (Mỹ): 50 năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gióng lên hồi chuông báo tử cho chủ nghĩa thực dân ở châu Á, là người chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đánh bại lực lượng Pháp, sau đó đóng vai trò chủ chốt trong việc buộc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, qua đó càng củng cố thêm vị thế là một trong những lãnh đạo quân sự quan trọng nhất của thế kỷ XX. Đài BBC (Anh) dẫn lời Phó Giáo sư lịch sử Shawn McHale tại ĐH George Washington (Mỹ) cho biết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người phi thường. Không ai tranh cãi về chuyện ông là một vị tướng xuất chúng và ông được kẻ thù kính trọng”. Hãng tin Reuters (Anh): “Đầu hàng” không có trong vốn từ vựng của tôi - Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói. Trong ngôn ngữ của ông, bất kỳ cuộc đấu tranh quân sự nào vì tự do cũng “có năng lượng sáng tạo để đạt được những điều mà kẻ địch không bao giờ có thể ngờ hoặc có thể tưởng tượng được”. Đài NHK (Nhật Bản): Luôn sát cánh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được người dân tôn trọng và xem là một trong những “anh hùng dựng nước”, một tướng quân giữa đời thường. Hãng tin AP (Mỹ): Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một anh hùng dân tộc và người ta gọi ông là vị tướng Napoleon đỏ của Việt Nam. Tân Hoa Xã (Trung Quốc): Các chuyên gia và nhà nghiên cứu quốc tế mô tả Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là vị chỉ huy quân sự sắc bén vừa là một con người được yêu mến trong cuộc sống hằng ngày. Đài CNN (Mỹ): Trong một cuộc phỏng vấn năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Một đất nước đứng lên và biết cách đoàn kết sẽ luôn đánh bại kẻ ngoại xâm. Khi người dân một nước luôn quyết tâm bảo vệ chủ quyền độc lập và thể hiện sự đoàn kết thì đất nước đó có thể đánh bại bất kỳ kẻ thù nào”. |
Bình luận (0)