Đó là vụ Bùi Phước Dũng cùng 22 bị cáo khác về các tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”, “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bùi Phước Dũng nguyên là Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Lúc đương chức, Dũng cùng đồng phạm tự san lấp mặt bằng đất trồng lúa, trồng cây lâu năm để thành lập các khu dân cư trái phép; tùy tiện hạ thấp giá trị đất, phân lô rồi chuyển nhượng để thu lợi bất chính hàng tỉ đồng.
Dũng và các đồng phạm phải trả giá cho hành vi của mình nhưng điều khiến dư luận quan tâm ở vụ án này chính là việc đa số bị cáo đều nguyên là cán bộ quản lý, lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, có người là thường vụ thành ủy, phó chủ tịch UBND TP, lãnh đạo các phòng, ban chức năng của TP Long Xuyên.
Vi phạm trong lĩnh vực đất đai đang ngày càng biến tướng về hình thức, tinh vi về thủ đoạn và xảy ra khắp nơi như một thứ dịch bệnh nguy hiểm. Chỉ từ ngày Chỉ thị số 134/CT-TTg ngày 20-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp Luật Đất đai của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất có hiệu lực đến nay, chỉ với 55 tỉnh, thành báo cáo cũng đã phát hiện 8.161 tổ chức vi phạm sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất, chuyển nhượng trái phép... với diện tích bị vi phạm là 128.033 ha. Trong đó, An Giang là tỉnh đứng đầu về số lượng với 760 đơn vị vi phạm và tỉnh Quảng Ninh đứng đầu về diện tích đất vi phạm (23.188 ha).
Vi phạm về đất đai cũng đang là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài và không chỉ làm bộ máy nhà nước mất đi hàng loạt cán bộ mà còn làm suy giảm niềm tin trong nhân dân. Đây cũng là môi trường hàng đầu dễ phát sinh tham nhũng, nhất là trong các hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Ngoài việc pháp luật chưa nghiêm thì nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vi phạm trong lĩnh vực này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong một hội nghị gần đây là do cơ chế - chính sách không đồng bộ, quản lý chồng chéo. Rõ là “bệnh” thì đã chẩn đúng nhưng phác đồ điều trị thì đang có vấn đề.
Nói như thế để thấy tại kỳ họp này của Quốc hội, việc thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như việc biểu quyết thông qua luật sẽ có ý nghĩa rất lớn. Nếu chất lượng thảo luận cao, đưa ra được những chế định pháp luật về đất đai vừa phù hợp thực tiễn vừa khả thi thì chắc chắn sẽ tạo ra một hành lang pháp lý chặt chẽ, công tác quản lý đất đai sẽ tốt hơn và lỗ hổng (nếu có) cũng sẽ được bịt kín, vòi bạch tuộc của tham nhũng cũng sẽ co lại.
Điều đó không chỉ phụ thuộc vào trí tuệ mà còn ở trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội.
Bình luận (0)