Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh: “... Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ”.
Đó là mệnh lệnh về tiếp tục cải cách hành chính. Lĩnh vực này những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu cũng đan xen nhiều thách thức.
Trước nay, người dân, công luận, kể cả Quốc hội và HĐND các cấp chỉ biết hoạt động của chính phủ cùng các cấp chính quyền thông qua những báo cáo định kỳ. Cách làm kiểu thông lệ này còn mang nặng cảm tính, có phần hình thức. Ở một số nước, người ta đã luật hóa việc đánh giá hiệu quả của chính phủ từ rất sớm. Chẳng hạn, ở Mỹ, năm 1973, chính phủ nước này công bố “Phương án xác định hiệu suất công tác của chính phủ liên bang” nhằm hệ thống hóa, quy phạm hóa, thường xuyên hóa việc đánh giá hiệu quả các tổ chức công cộng. Theo đó, cơ quan hữu quan đề ra hơn 3.000 tiêu chí để ngành thống kê tiến hành thống kê và phân tích hiệu quả công tác của các cơ quan chính phủ. Năm 1993, chính phủ Mỹ lại công bố “Luật hiệu quả và kết quả chính phủ”, yêu cầu các cơ quan của chính phủ liên bang xây dựng quy hoạch chiến lược 5 năm về sứ mệnh và mục tiêu dài hạn của mình, xây dựng kế hoạch hằng năm về quản lý hiệu quả thực hiện mục tiêu chiến lược, định kỳ đánh giá hiệu quả công tác của cơ quan mình và báo cáo với quốc hội, với công chúng. Từ đó, việc đánh giá hiệu quả các tổ chức của chính phủ đã được thể chế hóa. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), việc đánh giá hiệu quả các tổ chức công cộng cũng đã được thực hiện rộng rãi ở Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, New Zealand...
Thông qua các tiêu chí đánh giá hiệu quả của chính phủ, người ta thấy xu thế hiện nay hoạt động của chính phủ đã chuyển đổi. Đặc trưng của mô thức quản lý truyền thống là chính phủ nắm độc quyền quản lý, quyền lực tập trung cao độ, quy chế nghiêm ngặt, cơ chế quản lý là cơ chế khống chế. Quan điểm mới về quản lý của chính phủ là chủ trương thị trường hóa, xã hội hóa dịch vụ công, nhấn mạnh việc phi tập trung hóa quyền lực, định hướng theo kết quả đầu ra, lấy việc phục vụ khách hàng làm gốc.
Trước những yêu cầu cấp bách của công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước về đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ở nước ta, rất cần thiết phải áp dụng những thành tựu và kinh nghiệm của thế giới. Một nhà nước của dân, do dân, vì dân thì hãy để công chúng có điều kiện đánh giá, tạo ra sức ép đối với tổ chức công cộng và công chức, buộc họ phải nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả công tác. Làm được như vậy, công cuộc cải cách hành chính nói chung, trong đó có việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, mới mong có chuyển biến mạnh.
Bình luận (0)