Sáng 27-9, HĐND TP HCM đã khai mạc kỳ họp thứ 11 với chuyên đề “Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP HCM”.
Khắc phục cơ chế xin - cho
Theo đề án UBND trình HĐND TP HCM, hầu hết các đại biểu (ĐB) đều ủng hộ bởi TP cần có mô hình này để phát triển. Tuy nhiên, một số ĐB đề nghị đề án làm rõ vấn đề phân cấp, nhất là về tài chính.
Ông Thiện cũng nêu thắc mắc về phân cấp tài chính đối với 4 TP vệ tinh và ngân sách có độc lập với TP HCM hay không, được giữ lại toàn bộ hay phải nộp về TP HCM? Cơ chế điều tiết phân bổ nguồn thu được tiến hành như thế nào?
Liên quan đến vấn đề phân cấp, theo ĐB Thi Thị Tuyết Nhung, đề án có nói về các lĩnh vực nhưng không đề cập chuyện quản lý chuyên ngành đặc thù trong lực lượng vũ trang. “Việc giữ gìn an ninh - quốc phòng trong xây dựng đô thị mới là hết sức cần thiết. Vì vậy, TP cần xin trung ương cơ chế để đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực ở lĩnh vực này. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho an ninh - quốc phòng phải chuyên nghiệp, hiện đại và tinh nhuệ” - bà Nhung đề xuất.
Ngoài ra, trước đề xuất tăng số lượng ĐB HĐND TP HCM tối thiểu là 150 so với 95 được bầu ở nhiệm kỳ hiện tại (tăng thêm 55 ĐB), đồng thời tăng số ĐB chuyên trách tối thiểu bằng 1/3 tổng số ĐB như đề án, các ĐB cho rằng cần tăng lên 1/2 để tăng cường vai trò cũng như sự giám sát của ĐB HĐND ngay từ cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, các ĐB cũng đề nghị TP mô tả rõ các bước đi cơ bản ngay từ khi mô hình được triển khai thí điểm để người dân thấy được lợi ích của mình và có sự hưởng ứng, đồng tình cao hơn.
Thận trọng, có bước đi hợp lý
Cuối kỳ họp, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP HCM. Theo đó, thống nhất có đề án, thống nhất cơ bản các nội dung được nêu trong Tờ trình 4857 ngày 13-9 của UBND TP để trình Chính phủ. Nội dung đề án cần làm rõ là xây dựng chính quyền địa phương TP HCM có 2 cấp, gồm TP trực thuộc trung ương và cơ sở. Thể hiện rõ bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; chính quyền cơ sở phải gần dân, sát dân và có cơ chế để phát huy tính tự quản trong cộng đồng dân cư. Bộ máy chính quyền đô thị phải thật sự tinh gọn; hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt.
Bên cạnh đó, mỗi cấp chính quyền hoạt động theo nguyên tắc bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tinh giản, có phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu, chất lượng của chính quyền đô thị. Phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát hoạt động của chính quyền và cán bộ, công chức... Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP HCM cũng phải bảo đảm kế thừa, phát huy mặt tích cực; khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình tổ chức chính quyền TP hiện hành.
UBND TP HCM có thêm 1 phó chủ tịch Tại hội nghị, HĐND TP HCM đã bầu ông Lê Thanh Liêm - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2011-2016. Ông Lê Thanh Liêm được 72/77 phiếu bầu, chiếm 93,5%. Theo quy định của Chính phủ, TP HCM có 5 phó chủ tịch. Tuy nhiên, trước đó, tháng 4-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã điều động Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương. Như vậy, lãnh đạo UBND TP HCM hiện có Chủ tịch Lê Hoàng Quân và 5 phó chủ tịch là Nguyễn Hữu Tín, Lê Mạnh Hà, Hứa Ngọc Thuận, Nguyễn Thị Hồng, Lê Thanh Liêm. Ông Lê Thanh Liêm sinh năm 1963, là cử nhân chính trị, thạc sĩ kinh tế, kỹ sư khai thác hải sản. |
Bình luận (0)