Trong phiên thảo luận chiều 14-11 về chủ trương đầu từ xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thắc mắc vì sao không có quỹ đất để mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong khi lại có đất làm sân golf và các công trình phụ trợ trong sân bay.
“Bộ Giao thông Vận tải cần luận giải công năng của Tân Sơn Nhất và trả lời câu hỏi tại sao sân bay luôn được cho là thiếu đất để mở rộng nhưng lại lấy 16 ha ngay trong sân bay làm sân golf?” - ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) băn khoăn.
Tham gia thảo luận, ĐB Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) - Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết việc đầu tư sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất đã được 8 bộ ngành, địa phương thống nhất đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải cam kết bất cứ khi nào nhà nước có nhu cầu thu hồi sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh thì không phải đền bù.
Theo Thượng tướng Lê Hữu Đức, đây chủ yếu là đất lưu không, thuộc diện quản lý của Bộ Quốc phòng nhưng người dân nuôi bò, heo có chất thải rất bẩn và còn đóng gạch, hàn xì… đe dọa đến an toàn bay. Từ thực tế này, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ xin được làm sân golf, như vậy vẫn đảm bảo tĩnh không, đảm bảo an toàn bay và có hiệu quả về mặt kinh tế. Nếu để nguyên hiện trạng, sân bay quân sự phải bố trí 15-20 người chuyên làm nhiệm vụ cắt cỏ, phát quang để chim trời không đến cư trú, làm tổ, giảm thiểu nguy cơ gây sự cố hàng không do chim va vào máy bay. Đối với sân bay quân sự hay dân dụng đều phải xua đuổi chim để đảm bảo an toàn bay.
Sân golf này cũng tạo công ăn việc làm cho người lao động và nguồn thu cho địa phương. “Khi còn là Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, tôi đi tham quan nhiều nước thì thấy họ cũng làm sân golf trong sân bay” - vị Thứ trưởng từng là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nói.
Dự án khu sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất (Quận Tân Bình, TP HCM) đã được nghiên cứu từ năm 2006 và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2007.
Bình luận (0)