Tại buổi tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hải Phòng sáng nay 3-8, sau khi hàng loạt lãnh đạo sở ngành phát biểu, Thủ tướng cho rằng muốn nghe thêm nhiều ý kiến cử tri chứ không phải “đại cử tri”.
Thủ tướng gợi ý cử tri phát biểu về những vấn đề tham nhũng, tiêu cực, đối xử với nhân dân tạo ra thiếu niềm tin, từ chính người dân và những vị lão thành am hiểu tình hình, có nhiều bức xúc. “Tôi muốn nghe nhiều hơn nữa ý kiến cử tri yêu cầu gì đối với Quốc hội, Chính phủ. Chứ mới 9 giờ hơn sao đã hết cử tri phát biểu?”- Thủ tướng mong muốn.
Tiếp lời Thủ tướng, ông Nguyễn Trọng Lô, cán bộ hưu trí, phát biểu: “Sau hàng loạt câu hỏi được chuẩn bị trước và Thủ tướng có gợi ý chất vấn, tôi rất tâm đắc. Thời gian qua, Thủ tướng sâu sát, ở đâu có chuyện là đến tận nơi lắng nghe, tìm hiểu - điều này thể hiện “phong cách Hồ Chí Minh”. Thủ tướng nói điều gì bức xúc bà con cứ bày tỏ, tôi xin nói 2 điều không chỉ ở Hải Phòng mà là cả nước, đó là công tác cán bộ và chống tham nhũng”.
Ông Lô dẫn lại buổi họp Chính phủ đầu tiên (ngày 1-8), Thủ tướng có nói: “Chúng ta tìm người tài chứ không phải tìm người nhà” và việc này diễn ra nhiều nơi, kể cả Hải Phòng. “Rất nhiều trường hợp người nhà chứ không phải người giỏi, có nhiều người giỏi hơn sao không chọn cứ chọn con mình, cháu mình, bạn mình, con bạn bè mình. Tôi có thể kể ra hàng chục trường hợp ở TP này”- ông Lô phát biểu.
Về tham nhũng, tiêu cực, ông Lô cho rằng người có chức quyền thì tham nhũng hàng chục tỉ đồng còn cấp thấp là “vòi vĩnh” mỗi khi người dân đến cơ quan công quyền. “Bản thân tôi là cựu lãnh đạo TP mấy chục năm mà khi đi làm thủ tục hành chính cũng bị gây khó khăn”- ông Lô bức xúc.
“Tham nhũng ở TP Hải Phòng cũng có, nhiều đồng chí lương có từng đó, không làm thêm gì nhưng tại sao tài sản lớn thế? “Lâu nay chúng ta cứ nói kê khai tài sản nhưng dân có thấy công khai gì đâu? Tôi biết nhiều cựu lãnh đạo TP này giàu lắm nhưng chẳng thấy ai tới hỏi xem ở đâu mà ra. Họ lương bằng tôi mà họ giàu thế thì phải có tham nhũng chứ”- ông Lô thẳng thắn đặt vấn đề.
Ông Lô chia sẻ từng được một Bí thư Thành uỷ Hải Phòng mời đến góp ý kiến. “Chúng tôi tưởng thật, viết 2 bản ý kiến, có nêu cụ thể địa chỉ nhưng 2 năm rồi chẳng ai trả lời”- ông nói.
Đến đây, người chủ trì buổi tiếp xúc cử tri nhắc ông Lô nên dành thời gian cho cử tri khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần tuyển được người giỏi, có năng lực, bản lĩnh giải quyết những vấn đề của đất nước. “Biên chế không nhiều nên cố gắng tuyển được người có tài. Còn ưu tiên thì chỉ khi 2 cán bộ năng lực 9,5 và 10 thì có thể ưu tiên là con em gia đình liệt sĩ và phải công khai”- Thủ tướng cho hay.
Về tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu, Thủ tướng nói: “Cán bộ mà vòi vĩnh, nhũng nhiễu là xấu lắm. Đồng thời cần có chính sách để cán bộ đảm bảo cuộc sống”.
Nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng, ông Hoàng Xuân Lâm, thẳng thắn cho rằng có nơi đạo lý cán bộ, xã hội xuống đáy. “Hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám đến nay chưa thấy bao giờ đạo đức tệ hại như vậy. Tổng Bí thư hãy làm gương kê khai tài sản để cán bộ cả nước từ trung ương đến xã phường kê khai tài sản. Phải làm mạnh, đấu tranh mạnh với nạn tham nhũng” - ông Lâm quyết liệt bày tỏ.
Chia sẻ với tâm tư của ông Lâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có xuống cấp nhưng không phải là tệ hại nhất mà vẫn có lớp trẻ có lý tưởng, niềm tin và có phẩm chất cách mạng. “Về Tổng Bí thư kê khai tài sản, xin được nói Tổng Bí thư là cán bộ vô cùng liêm khiết và toàn bộ đại biểu Quốc hội đều phải kê khai tài sản để xứng đáng là người đại diện xứng đáng của nhân dân, được nhân dân giám sát.” - Thủ tướng khẳng định.
Cử tri Nguyễn Xuân Phi (Ngô Quyền) đề nghị Thủ tướng đề ra biện pháp gì để chính quyền các cấp cũng là chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân?
Về đề nghị này, Thủ tướng nêu rõ tinh thần tiếp xúc cử tri là đối đáp, giải thích rõ ràng ý kiến cử tri đặt ra. Về xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết là hướng đến công ăn việc làm, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sống, chủ động thiết kế chính sách, pháp luật, thể chế để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nâng cao sức cạnh tranh. Không để lỗ hổng luật pháp tạo điều kiện cho tiêu cực, tham nhũng này sinh. “Chính phủ phải dũng cảm đương đầu, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tích cực rà soát điều chỉnh pháp luật. Chính phủ nhanh gọn, hiệu quả và liêm chính từ bộ ban ngành trung ương đến các cấp chính quyền ở địa phương. Chính phủ phải có tư duy chiến lược xứng tầm, phát huy hiệu quả cao nguồn lực đất nước, không để thất thoát, mất mát nguồn lực”- Thủ tướng trải lòng.
Về Chính phủ liêm chính, Thủ tướng khẳng định cần quyết liệt hành động phục người dân, phải thấm nhuần đến từng cán bộ, từng cơ quan từ trung ương đến địa phương để người dân yên tâm làm ăn, bảo đảm quyền của họ. “Phục vụ nhân dân chứ không phải hành dân, đó là tinh thần len lỏi đến toàn bộ các cấp chính quyền. Minh bạch, đơn giản, không sách nhiễu người dân. Đây là vấn đề cấp bách”- Thủ tướng khẳng định.
Bình luận (0)