xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủy điện góp phần tạo lũ

Hoàng Dũng - Trần Thường - Văn Duẩn

Hơn 200.000 căn nhà bị ngập, hơn 1.500 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, gần 70 người thương vong do lũ ở miền Trung trong những ngày qua

Trong những ngày qua, ở miền Trung mặc dù lượng mưa không lớn bằng những trận mưa gây nên trận lũ lịch sử năm 1999 nhưng việc các thủy điện đồng loạt xả lũ với lượng lớn khiến người dân vùng hạ du miền Trung trở tay không kịp.
img
Nhà của một người dân huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bị nước lũ làm sạt xuống sông. Ảnh: Trần Thường

Gần 30 hồ ồ ạt xả lũ

Theo báo cáo tổng hợp của Ban Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, do mưa lớn, mực nước các hồ chứa từ Quảng Nam đến Bình Định lên nhanh nên có 15 hồ chứa thủy lợi đã xả tràn với lưu lượng từ 30-600 m3/giây, trong đó có 5 hồ xả với lưu lượng lớn hơn 100 m3/giây. Đặc biệt, có 13 hồ thủy điện xả tràn, trong đó có nhiều hồ xả lũ với lưu lượng lớn hơn 400 m3/giây, như: Hương Điền 485 m3/giây; Sông Tranh 2: 2.046 m3/giây; Đak Mi 4A: 491 m3/giây, Sông Ba Hạ: 3.400 m3/giây; Ya Ly: 740 m3/giây, Sê San 3: 680 m3/giây; Sê San 4: 912 m3/giây; Sê San 4A: 1.724 m3/giây. Chính điều này khiến người dân vùng hạ du bị ngập nặng.

Trong khi đó, chiều 17-11, ông Đồng Văn Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết lũ lớn ở Nam Trung Bộ trong những ngày vừa qua là do mưa quá lớn. Hiện nay, các hồ chứa thủy điện ở khu vực Nam Trung Bộ đang thiếu nước, lượng nước tích trong hồ mới chỉ đạt 40%-60% dung tích; có nơi hồ chứa còn chưa tích đủ nước để xả. “Cũng có một số hồ thủy điện trong khu vực xả lũ nhưng đều xả có kế hoạch để cắt lũ, chứ không phải xả cấp tập, vì vậy việc xả nước của những hồ thủy điện không ảnh hưởng gì nhiều đến tình trạng lũ lụt kinh hoàng tại khu vực này” - ông Tự khẳng định

Lo chạy thoát thân

Tại tỉnh Quảng Nam, sáng 17-11, nước đã rút nhưng người dân ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn vẫn chưa hoàn hồn về việc nước lũ dâng cao đến chóng mặt.

“Chiều 15-11, nghe nước đổ đùng đùng, nhìn ra, tôi thấy nước đã cao hơn 5 m. Chưa đầy 5 phút sau, mọi thứ trong nhà đều bị ngập, mọi người lo chạy thoát thân, bất lực nhìn đồ đạc bị nước cuốn đi. Tôi ở đây đã 40 năm nhưng chưa thấy có lũ kinh hoàng như thế này!” - ông Võ Vui (xã Phước Hiệp) kể lại. Bà Nguyễn Thị Bích Sinh, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, cho biết thông thường, khi các thủy điện xả lũ đều có gửi thông báo. Tuy nhiên, đợt xả này, UBND xã không nhận được thông báo của thủy điện nên người dân thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, hàng ngàn nhà dân ở huyện Đại Lộc ngập chìm trong biển nước. “Nước lên nhanh quá, gia đình không kịp trở tay. Chỉ trong 10 phút, nước đã dâng tới giường, cả nhà phải bỏ của chạy giữ mạng” - bà Nguyễn Thị Hạnh (ở huyện Đại Lộc) cho biết.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, lũ dâng cao bất ngờ khiến nhiều vùng bị chìm trong nước, hơn 4.000 hộ dân với khoảng 15.000 nhân khẩu ở huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu phải di dời khẩn cấp. Ông Trần Văn Hải (huyện Hòa Vang) cho biết từ 0 giờ đến 2 giờ ngày 16-11, gần như toàn bộ hơn 1.000 căn nhà xã Hòa Châu, huyện Hòa vang bị ngập sâu trong nước, người dân không kịp dọn dẹp đồ đạc lên cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho rằng thông tin về việc các hồ thủy lợi, thủy điện xả lũ đến với huyện quá chậm khiến hàng ngàn hộ dân không kịp đối phó; toàn bộ gia cầm, gia súc, lương thực của họ đã bị ngập trong nước. “Đến sáng 16-11, khi nước lũ ngập nhà dân hết rồi, chính quyền huyện Hòa Vang mới tiếp nhận thông tin các thủy điện xả lũ” - ông Trường nói.

Nắng thiếu nước, mưa ngập lụt

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, từ ngày 13-11 đến 12 giờ 45 phút ngày 15-11, Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Đak Mi 4 (Quảng Nam) đã có 4 thông báo gửi cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng về việc xả lũ về hạ du sông Vu Gia. Theo đó, lưu lượng xả lũ ngày một tăng dần. Nếu trong ngày 13-11, Đak Mi 4 chỉ xả từ 15-100 m3/giây, đến ngày 14-11 tăng lên từ 100-500 m3/giây. Từ 11 giờ ngày 15-11 tăng xả lũ lên từ 1.500-3.000 m3/giây. Đến 13 giờ 45 cùng ngày, Đak Mi 4 tiếp tục ra thông báo tăng lưu lượng xả lũ về hạ du lên từ 3.000-4.500 m3/giây. Trong khi đó, ngày 15-11, thủy điện A Vương (Quảng Nam) cũng xả lũ về sông Vu Gia với lưu lượng 35-400 m3/giây. Chính vì các thủy điện đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn khiến các vùng hạ du như Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An (Quảng Nam) và Hòa Vang (Đà Nẵng) bị ngập nặng.

Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết mặc dù trước khi xả lũ, các thủy điện có thông báo nhưng do các thủy điện đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn nên người dân bị thiệt hại nặng nề. “Huyện Đại Lộc có 16/18 xã, thị trấn nằm ở dọc các con sông. Những năm gần đây, các thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn khiến người dân ở đây lãnh đủ. Mùa nắng chịu cảnh thiếu nước sản xuất, mùa mưa thì liên tục chịu các đợt xả lũ của các hồ thủy điện” - ông Trúc nói.

Theo giải thích của ông Võ Tấn Dũng, Phó Ban Quản lý thủy điện Đak Mi 4, do lượng nước đổ về hồ ngày một lớn nên buộc phải xả với lưu lượng lớn mới bảo đảm an toàn cho hồ đập.

Đến chiều 17-11, số người thương vong do lũ gây ra ở miền Trung đã lên đến 69 người. Trong đó 24 người chết, 10 người mất tích, 35 người bị thương. Thiệt hại về tài sản cũng rất lớn, đã có 53 nhà đổ, sập, trôi; 166 nhà tốc mái và trên 200.000 nhà bị ngập; 1.062 ha lúa và 691 ha hoa màu bị úng ngập, hư hỏng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo