Nếu như dự án thủy điện Đrang Phốk được Công ty CP Đầu tư xây dựng - Ứng dụng công nghệ mới (TECCO) chọn ngay “tim” Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk) để đầu tư thì mới đây, 2 dự án thủy điện Suối Say 1 và Suối Say 2 cũng được Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai xin xây dựng ngay “tử huyệt” của Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kon Chư Răng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai).
“Ít ảnh hưởng, nhiều cái lợi” (!?)
Khu BTTN Kon Chư Răng nằm dọc tuyến đường Đông Trường Sơn, giáp với 3 tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi và Bình Định. Khu BTTN này có tới 10.000/14.000 ha rừng giàu, khoảng 200 ha rừng nghèo và rừng non...
Qua tính toán sơ bộ, khi xây dựng 2 nhà máy thủy điện, Khu BTTN Kon Chư Răng sẽ mất khoảng 25 ha rừng, trong đó có 6 ha thuộc phân khu cần bảo vệ nghiêm ngặt. Dù vậy, ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Khu BTTN Kon Chư Răng, lại cho rằng xây dựng nhà máy thủy điện ở đây ít ảnh hưởng mà sẽ có nhiều cái lợi!
Theo ông Ty, vị trí dự tính đặt 2 đập thủy điện ở thượng nguồn sông Côn. Đây là 2 thủy điện bậc thang, tổng công suất phát điện dự kiến là 40 MW. “Nếu công trình được xây dựng sẽ mất rừng, ảnh hưởng đến nguồn nước, không khí, đất. Tiếng ồn khi thi công cũng ít nhiều ảnh hưởng đến muông thú” - ông thừa nhận.
Tuy nhiên, ông Ty cho rằng ảnh hưởng sẽ không nhiều khi chủ đầu tư dự kiến khoan vào lòng đất hệ thống dẫn nước chứ không làm nổi nhằm hạn chế mất rừng. Đường vào nhà máy cũng sử dụng đường vào các trạm kiểm lâm nên ít ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Thậm chí, theo ông Ty, khi xây dựng thủy điện, ngoài việc mang lại lợi ích chung như tăng công suất điện, tăng nguồn thuế nhà nước, Khu BTTN Kon Chư Răng cũng có lợi. Ông giải thích: “Các tuyến đường, trạm tuần tra bảo vệ rừng sẽ được xây dựng. Nếu có thủy điện thì cuộc sống của anh em chắc chắn đỡ buồn tẻ hơn”!
Khi phóng viên chất vấn về việc phá vỡ hệ sinh thái của khu BTTN nếu 2 thủy điện được xây dựng, ông Ty thừa nhận điều này. Theo ông, dự án phải có đánh giá tác động môi trường, có phương án để hạn chế sự ảnh hưởng đến mức thấp nhất. “Tôi sẽ góp ý cụ thể, chi tiết hơn cho đơn vị tư vấn” - ông nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết chưa nhận được văn bản nào thông tin về dự án. “Tuy nhiên, với rừng đặc dụng, rừng quốc gia, khi chuyển đổi cần hết sức cẩn trọng, phải xem xét, đánh giá các tác động rồi mới quyết định” - ông nhìn nhận.
Hiện nay, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đang tập hợp các ý kiến về 2 dự án thủy điện dự kiến xây tại Khu BTTN Kon Chư Răng để gửi UBND tỉnh theo yêu cầu. Một lãnh đạo UBND huyện Kbang cho biết đã có ý kiến về 2 dự án này. “Quan điểm của huyện là không thống nhất cho xây dựng vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường” - ông khẳng định.
Theo ông Huỳnh Ngọc Tục, nguyên Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, trước đây, đã có 2 dự án thủy điện ở Khu BTTN Kon Chư Răng bị thu hồi. “Thấy nó tác động không tốt đến môi trường nên sở đã đề nghị và UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 2 dự án này” - ông giải thích.
Rừng quý sẽ lâm nguy
Trở lại dự án thủy điện Đrang Phốk ở VQG Yok Đôn, theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý chủ trương cho TECCO khảo sát, thu thập số liệu về công trình. Sau nhiều lần thay đổi quy mô, mới đây, chủ đầu tư đã tổ chức hội thảo tham vấn các ý kiến về tác động môi trường của dự án.
Theo GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, VQG Yok Đôn có hệ sinh thái đặc thù rừng khộp, tính đa dạng sinh học độc đáo với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị bảo tồn cao. Tuy thủy điện Đrang Phốk dự kiến chiếm 308,7 ha, trong đó đất rừng chỉ 28,88 ha nhưng lại là khu vực rừng khộp nằm trong vùng lõi của VQG. Đây là hệ sinh thái liền dải trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG, là nơi hoạt động của các loài động vật hoang dã. “Vì vậy, chủ đầu tư cần nghiêm túc thực hiện báo cáo tác động môi trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và lý giải rõ biện pháp giảm thiểu, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường” - GS Huỳnh đề nghị.
Theo ông Trần Văn Khoa, Phó Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, khu vực dự kiến xây thủy điện còn khá nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài cây quý hiếm. Hệ động vật ở đây khá phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm. “Nếu xây thủy điện ngay trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, ngoài việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng khộp vốn rất mong manh thì công tác bảo vệ rừng cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp” - ông Khoa lo ngại.
Trong khi đó, ông Trần Đức Thanh, Vụ phó Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho rằng việc xây dựng thủy điện trong vùng lõi của VQG Yok Đôn là không phù hợp. Theo ông, tại buổi họp giao ban mới đây, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã kết luận không ủng hộ việc xây dựng thủy điện Đrang Phốk do tác động tiêu cực đến môi trường.
Vi phạm nhiều luật
Ông Trần Văn Khoa cho biết khoản 16, điều 3 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã nêu rõ: “Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn, được quản lý, bảo vệ nghiêm, chặt chẽ để theo dõi diễn biến tự nhiên của rừng”. Khoản 1, điều 19 Nghị định 117/2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng cũng quy định: “Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo tồn để duy trì diễn thế tự nhiên”. Còn khoản 2, điều 7 Luật Đa dạng sinh học đã nêu những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó có cấm xây dựng công trình nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu BTTN…
“Từ những phân tích trên, rõ ràng việc xây dựng thủy điện Đrang Phốk là vi phạm nhiều luật” - ông Khoa khẳng định.
Kỳ tới: Người dân bị vạ lây
Bình luận (0)