Sông Lam chiều đông, nước lặng. Trên con thuyền nhỏ của ngư dân Nguyễn Văn Mạo (xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), chúng tôi ngược dòng tìm kiếm cá sú vàng.
Đổi đời bởi trúng cá sú vàng
Xóm chài Hòa Lam những ngày giáp Tết đìu hiu, vắng vẻ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm sát sông Lam, lão ngư Nguyễn Văn Hải, người được xem là sát thủ của loại cá sú vàng ở khu vực cửa sông Lam đổ ra biển, cho biết khoảng những năm 1990 về trước, cá sú vàng trên sông Lam rất nhiều.
“Từ tháng 9, 10 âm lịch hằng năm, cá từ ngoài biển bơi từng đàn theo con nước ngược dòng để sinh sản. Cá nhiều, bắt bán không ai mua nên chỉ đem làm thịt ăn. Loại cá này hồi đó không ai muốn bắt, chỉ gõ mạnh vào mạn thuyền đuổi chúng đi cho khỏi bị hư lưới. Vậy mà bây giờ, chúng cực hiếm nên giá ngày càng đắt đỏ” - ông nói.
Từ năm 1990 tới nay, ở xóm chài Hòa Lam, rất nhiều người bắt được cá sú vàng nặng 40-60 kg, bán thu về hàng trăm triệu đồng. Lão ngư Đậu Nghi Lới (ngụ xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) kể gần 50 năm đánh cá, ông bắt được tổng cộng 23 con cá sú vàng lớn. Giá trị nhất là con cá sú vàng nặng 67 kg bắt năm 1998, bán được 170 triệu đồng. Nhờ đó, ông Lới xây được căn nhà 2 tầng khang trang cũng như có tiền đầu tư cho con đi xuất khẩu lao động.
“Nếu trời không cho trúng con cá sú vàng năm 1998 thì có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình có được cuộc sống sung túc như bây giờ” - ông Lới cho biết.
Năm 2005, một ngư dân ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An lại bắt được con cá sú vàng 62 kg, bán được 421 triệu đồng. Đến năm 2008, anh Nguyễn Văn Thành (ngụ xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc) cũng bắt được cá sú vàng nặng 58 kg, trị giá 525 triệu đồng.
Đổ xô đánh bắt
Theo người dân, cá sú vàng chỉ xuất hiện từ khoảng tháng 10 đến tháng 4 âm lịch hằng năm ở đoạn hạ lưu sông Lam (từ cầu Bến Thủy đến Cửa Hội).
Trên con thuyền nhỏ của ngư dân Nguyễn Văn Mạo, chúng tôi ngược xuôi trên khúc sông này tìm kiếm cá sú vàng. Anh Mạo cho biết: “Đi săn cá sú vàng, ngoài việc quan sát tốt thì cần có đôi tai thính, bởi loại cá này khi bơi trên sông thỉnh thoảng lại kêu eng éc như tiếng lợn con kêu. Khi phát hiện tiếng kêu này thì phải bí mật vây lưới rồi nằm trên thuyền phục bắt. Có thể phải chờ 1-2 ngày, thậm chí cả tháng mới bắt được chúng”.
Đi dọc theo sông Lam, suốt chiều dài khoảng 20 km, chúng tôi bắt gặp nhiều ghe hút cát trái phép và các thuyền nhỏ đang đánh bắt cá. Hỏi các ngư dân về cá sú vàng, ai cũng lắc đầu bởi khoảng từ năm 2008 tới nay, không ai bắt gặp loại cá quý hiếm này trên sông Lam nữa.
Ngư dân Nguyễn Văn Nguyệt (trú xóm chài Hòa Lam) ngày nào cũng đánh bắt cá trên khúc sông này. Ông kể mấy năm nay, người đi tìm bắt cá sú vàng rất nhiều. Ngoài người dân sống dọc sông Lam còn có cả đội thợ lặn chuyên nghiệp từ tỉnh Thanh Hóa, TP Hải Phòng vào săn lùng nhưng không thấy ai bắt được loài cá này.
Trời về chiều càng lạnh, sau gần 2 giờ đi dọc sông Lam, chiếc thuyền nhỏ của anh Mạo quay về cập bến đò nhỏ tại xóm chài Hòa Lam. Chiến lợi phẩm mà bố con anh Mạo thu được chỉ khoảng 5 kg cá nhỏ.
Ngồi nhặt vội mớ cá nhỏ để kịp đi bán buổi chợ chiều, chị Hà (vợ anh Mạo) thở dài: “Hai bố con đi cả buổi được 5 kg cá, đem bán được khoảng 120.000-150.000 đồng, trừ tiền dầu ra chỉ kiếm được 80.000 đồng. Tàu khai thác cát, nguồn nước ô nhiễm nên giờ đừng nói cá sú vàng, ngay cả các loại cá bình thường như chép, trắm, mè… cũng hiếm lắm”.
Bình luận (0)