xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tỉ phú nông nghiệp công nghệ cao (*): Làm giàu từ cây ngũ quả

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Lão nông Lê Đức Giáp - 61 tuổi, ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội - tự mày mò, học hỏi, trồng được cây ngũ quả, mỗi năm cho lợi nhuận cả tỉ đồng

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km về hướng Bắc, về xã Cao Viên, hỏi ông Giáp trồng cây ngũ quả, ai cũng biết. Tiếp tôi trong gian nhà tạm ở vườn tại thôn Bãi, người đàn ông tóc đã muối tiêu, dáng cao, gầy, có vẻ khắc khổ nhưng rất cởi mở, là nông dân chính hiệu. Dù không biết làm thương hiệu hay đại loại là quảng cáo cho sản phẩm của mình nhưng sản phẩm của ông vẫn được khách từ khắp nơi trong cả nước tìm đến đặt mua và thường là không đủ hàng để bán.

“Vua” cam Canh

Không được đào tạo qua trường lớp nhưng ông Giáp đã khiến nhiều người kinh ngạc khi là người đầu tiên ở Hà Nội tạo ra 5 loại quả trên một cây, gọi là cây ngũ quả, thu lãi ngót tỉ bạc mỗi năm. Là một nông dân sản xuất giỏi, có nhiều sáng tạo, giúp đỡ mọi người, ông Giáp đã từng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được vinh danh là 1 trong 10 công dân thủ đô ưu tú năm 2012.

Ông Lê Đức Giáp (thứ hai từ trái qua) đang giới thiệu về cây ngũ quả cho lãnh đạo TP Hà Nội
Ông Lê Đức Giáp (thứ hai từ trái qua) đang giới thiệu về cây ngũ quả cho lãnh đạo TP Hà Nội

“Để tạo ra cây có nhiều loại quả, cũng không cần tuyệt kỹ gì cao siêu, chỉ cần biết cách chọn cành và quả ghép sao cho chuẩn” - ông Lê Đức Giáp bộc bạch. Ông kể rằng trước đây ngoài làm nông nghiệp, gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác ở huyện Thanh Oai có thêm nguồn thu nhập lớn từ nghề làm pháo. Sau khi nhà nước cấm sản xuất pháo, gia đình ông gặp nhiều khó khăn.

Mất nghề truyền thống, ông cùng bạn bè làm hết nghề này đến nghề nọ, rồi ông chọn nghề lâu dài là buôn bán hoa quả nhưng cuộc sống gia đình vẫn không mấy cải thiện. Thế rồi, trong một lần đi buôn trái cây ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, thấy nhiều gia đình nông dân ở đây trồng cây cam Canh có hiệu quả kinh tế rất cao, ông nhẩm tính với giá 25.000 đồng/kg, mỗi cây người trồng thu về khoảng triệu đồng, trong vườn có đến hàng trăm cây, ông sững người khi tính ra mức thu nhập rất cao từ loại cây này. Thế rồi, sau chuyến đi ấy, đầu năm 2002, ông quyết tâm mang cây cam Canh về trồng trên đất Cao Viên.

Về nhà, ông bỏ trồng lúa, dùng toàn bộ diện tích 1.000 m2 trồng cam. Ông cho hay trồng để cho cây sống và ra hoa được thì dễ chứ để đậu quả là rất khó. Chính vì vậy, ban đầu vợ con cũng chưa nghe và ngăn cản. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm làm.

Không may mắn khi ngay từ đầu, ông đã gặp khó khăn là mảnh đất rắn không phù hợp với cây trồng. Rồi ông lại khăn gói xuống Văn Giang tìm hiểu, nhờ người này, người kia hướng dẫn và tự mày mò bằng cách đọc sách báo, xem tivi... để tìm ra giải pháp từng bước hạ độ chua của đất.

Thế rồi, thật không ngờ, vụ cam đầu tiên gia đình ông thu lãi hơn 20 triệu đồng. Thấy có lãi, ông mở rộng diện tích trồng cam và gần như năm nào cũng thu về gần cả trăm triệu đồng. “Bình thường, cây cam sau 4 năm mới cho quả đầu tiên, còn vườn cam nhà tôi, một năm là cây ra quả” - ông Giáp cho biết.

Để làm được điều kỳ lạ đó, ông mày mò thực hiện biện pháp dùng dao tiện vào thân cây với độ sâu hợp lý, điều này gây ảnh hưởng nhất định tới việc trao đổi chất của cây khiến cây phát triển trái với tự nhiên, từ đó ra hoa theo ý muốn người trồng. Với thành công này, người trong vùng gọi ông là “vua” cam Canh.

Thu bạc tỉ từ cây “độc”

Sau khi thành công với cây cam Canh, năm 2005, ông Giáp lại thành công trong việc ghép cây cam và bưởi cảnh. Rồi đến năm 2008, ông nảy sinh ý định tạo 5 loại quả là quất, quýt, cam, bưởi và phật thủ trên một cây cam hoặc bưởi cảnh. “Tết nhà nào cũng có mâm ngũ quả. Tôi quyết tâm tạo ra cây cảnh 5 loại quả với nét độc đáo riêng, điều xưa nay chưa ai làm. Tôi tin cây ngũ quả chắc chắn sẽ được nhiều người ưa chuộng” - ông Giáp nói.

Tuy nhiên, dù đã có kinh nghiệm ghép cam Canh nhưng ông Giáp không ngờ rằng tạo cây ngũ quả không hề đơn giản, suốt 2 năm liền, ông chịu hết thất bại này đến thất bại khác. Lần nào ghép, ít nhất 1-2 loại quả đều chín trước Tết.

“Thông thường, quả cam, quả chanh ra hoa tháng giêng âm lịch, tháng 12 mới chín, bưởi Diễn cũng vậy nhưng với chanh đào hoặc quất hay phật thủ ra hoa sớm, đến tháng 9 quả đã chín hết vì thế không thể để đến Tết. Do đó, tôi ghép 5 quả nhưng thường chỉ được 3 quả” - ông kể.

Không nản lòng, nông dân thứ thiệt này chuyển sang thực hiện ghép các loại quả ở thời gian khác nhau. Ông phát hiện ở các quả có múi, thành phần dinh dưỡng nuôi quả giống nhau nên khi ghép cam, chanh, phật thủ vào cây bưởi, chúng thích nghi với nhau rất nhanh. Và đến cuối năm 2009, ông đã tính toán được từng thời điểm của quả.

Ví dụ cam Canh hoặc bưởi Diễn ông sẽ ghép đầu tiên vào tháng 3 hoặc tháng 5; cuối tháng 5 đầu tháng 6, ông ghép cam đường, chanh; đầu tháng 7 là cam Malaysia; tháng 10 và 11 ông mới ghép phật thủ. “Và đến năm 2010, loại cây ngũ quả này mới chính thức bán thương mại với số lượng lớn vì kỹ thuật đã hoàn thiện và cho ra sản phẩm đẹp” - ông Giáp hân hoan kể...

Ngoài hơn 7.000 m2 đất hiện trồng cây ngũ quả, cam Canh và chanh đào mà ông thuê tại thôn Bãi, gần 2 năm nay, ông Giáp thuê thêm hơn 1,3 ha ở nông trường cam Thanh Hà thuộc xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình để trồng cam Canh và chanh đào. Hiện ông đã trồng được gần 1.000 gốc cam Canh, đã có 500 cây cho thu hoạch bói. Tuy mới trồng được hơn 1 năm nhưng đã cho thu hoạch từ 10-15 kg/cây. Mỗi năm ông Giáp thu về hơn 1 tỉ đồng tiền lãi.

Kỳ tới: “Rau mầm Bà Năm”

Sẽ có cây “thất quả”

Tết Nguyên đán năm 2014, ngoài gần 100 cây ngũ quả, ông Lê Đức Giáp còn mạnh dạn giới thiệu thêm “sản phẩm” mới là trên 20 cây thất quả (7 trái) vì được ghép thêm quả bưởi đỏ và chanh đào. Ông Giáp cho biết cây ngũ quả tượng trưng cho mâm ngũ quả để thờ cúng ngày Tết, còn cây thất quả, ông muốn thể hiện sự hòa hợp, gắn bó, sum vầy trong gia đình Việt ngày xuân. Đặc biệt,Tết năm nay, ông sẽ tung ra thị trường sản phẩm mới, đó là ốp khung cho quả bưởi trên cây ngũ quả để có hình chữ Tài - Lộc trên đó.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo