xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiễn biệt chú Sáu Thảo!

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Chân tình mà thẳng thắn, lịch lãm mà giản dị, uyên bác mà chân phương, sống và làm việc có nguyên tắc mà rất dân chủ và mềm dẻo, chú Sáu Thảo là một tấm gương, một nhân cách sống đẹp

Nghe tin chú bệnh, không ngờ lần này trở nặng, hôn mê sâu rồi lặng lẽ ra đi trong nụ cười hiền từ. Hai chú cháu vừa mới gặp, chú còn nói những câu chuyện thân tình, hóm hỉnh và tươi cười vui vẻ. Vậy mà, đã mãi mãi không có lần sau.

Nhiệt huyết và chí tình

Chú Dương Đình Thảo sinh năm 1924, quê tại Hạnh Thông, Gò Vấp, trong một gia đình viên chức, học tới bằng Thành chung và rất giỏi tiếng Pháp.

Đầu năm 1945, theo tiếng gọi của Mặt trận Việt Minh, chú tham gia vào tổ chức và hoạt động ở Bà Chiểu, Tân Bình. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, chú đã lăn lộn ở các chiến trường, lúc công tác ở miền Tây Nam Bộ, lúc ở Quân khu 3, có thời gian giúp việc cho đồng chí Lê Đức Thọ (ở Trung ương cục miền Nam).

Chú Sáu có nhiều năm làm công tác chính trị ở Sư đoàn 338, rồi ra Bắc làm việc ở Tạp chí Học tập, ở Ban Thống nhất… và đi công tác nước ngoài. Với những chức vụ và công việc kinh qua, chú gắn nhiều với hoạt động tuyên truyền, thông tấn, ngoại giao, văn hóa... Có lần chú nói kiểm lại cuộc đời mình, chú thấy cũng gặp may nhiều và có lẽ cũng không hổ thẹn điều gì.

Ông Dương Đình Thảo, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy và ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Ảnh: TTXVN
Ông Dương Đình Thảo, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy và ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Ảnh: TTXVN

Lần được cử sang Pháp trong đoàn đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam, chú được phân công làm Bí thư Chi bộ và là người phát ngôn thứ nhất của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lúc ấy, ông Lê Toàn Thư, Trưởng Ban Thống nhất, cho rằng trong đoàn cần có những “gà chọi”, và chú Sáu Thảo được cử tham gia cùng đoàn. Vậy là chú có mặt trong suốt thời gian cuộc đàm phán 4 bên ở Paris về Việt Nam - cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử (từ tháng 11-1968 tới tháng 1-1973).

Sau đó, chú được cử làm Bí thư Đảng bộ của phái đoàn ta trong Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên ở trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất theo đúng quy trình về điều khoản của Hiệp định Paris, đấu tranh suốt hơn 2 năm cho đến ngày giải phóng. Chú luôn tâm đắc nhờ đi làm ngoại giao mà mình được giáo dục nhiều điều, luôn phải bảo vệ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà sau này làm văn hóa, tuyên huấn… như có sự tiếp nối.

Là giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin của TP HCM sau ngày giải phóng, chú Sáu Thảo được văn nghệ sĩ và báo giới gắn bó, nể trọng. Các hoạt động trong lĩnh vực chú phụ trách đều rất mạnh, nhất là sân khấu. Để làm được điều đó, chú Sáu luôn quan tâm chăm lo, tạo điều kiện hành nghề cho văn nghệ sĩ, thuyết phục văn nghệ sĩ bằng tấm lòng, tình thương và cả sự bao dung, tha thứ.

Suốt 9 năm làm giám đốc sở (1977-1986), chú để lại trong lòng mọi người ấn tượng về một nhà lãnh đạo xông xáo, có lý, có tình, có khả năng tập hợp và dám chịu trách nhiệm. Chú Sáu kể lại: Có lần đồng chí Võ Trần Chí, Bí thư Thành ủy, nói: “Không có giám đốc nào như anh” - với sự đánh giá trân trọng.

Thời gian làm Trưởng Ban Tuyên huấn kiêm Trưởng Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng của Thành ủy TP HCM, chú Sáu luôn coi trọng, luôn lắng nghe tiếng nói nhiều chiều từ cơ sở, dư luận xã hội… và dành thời gian tiếp xúc cá nhân. Nhờ có trình độ lý luận, có sự am hiểu rộng và sự từng trải, sâu sát với thực tiễn TP, chú Sáu Thảo đã tham mưu cho Thành ủy về công tác tuyên huấn của Đảng; có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể trong triển khai công việc. Chú Sáu luôn thể hiện sự nhiệt huyết, là con người có lửa, có lòng, có sức hút trong làm việc và rất tình nghĩa trong mối quan hệ với đồng chí, với mọi người.

Người con ưu tú của TP

Chú Sáu Thảo cho rằng chú được chú Nguyễn Văn Linh thương, tin vì là người dám nói lại, thẳng thắn và sòng phẳng. Cũng có những lần, theo cách nói của chú, là “đội sớ” không thành nhưng nhiều người cũng thấy sự hết lòng của chú vì việc chung. Các đồng chí lãnh đạo bấy giờ là những người đã từng chiến đấu cùng nhau, đối xử với nhau rất thân tình.

Chú Sáu kể có lần nói chuyện với khoảng 1.000 cán bộ, chú căn dặn làm cán bộ phải tránh 3 điều: địa vị, tiền và gái. Sau đó, chú Linh hỏi vui: Gái không được thì “đào” có được không? Chú Sáu đã trả lời vui: Không chỉ mê mà còn ham. Chú Mai Chí Thọ ngồi kế bên, thúc tay, bảo: Mê cải lương mà không có “đào” sao được!

Sau ngày về hưu, một thời gian dài, chú đã gắn bó với công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ TP và góp phần đắc lực trong việc hoàn thành việc biên soạn lịch sử Đảng bộ TP HCM giai đoạn 1930-1975, bộ lịch sử “Nam Bộ kháng chiến” và cùng tham gia xuất bản một số quyển sách viết về đề tài lịch sử, văn hóa…

Chú Sáu Thảo nêu gương sáng về sự mẫu mực, giản dị. Về hưu, trả xe và thường đi lại bằng “xe ôm”. 65 tuổi Đảng vẫn đến nơi nhận huy hiệu, không muốn để lãnh đạo đến trao tại nhà. Sau tuổi 90, chân yếu nhưng vẫn đi thăm người yếu hơn, vẫn đến viếng tang, tiễn đưa những người bạn chí cốt, vẫn rất chu đáo, rất hồn hậu, ân tình…

Chú Ba Minh - nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa, người công tác nhiều năm với chú Sáu - kể lại: “Khi cần, chú Sáu Thảo sẵn sàng lo cho người khác đến từng viên thuốc, nhắc nhở thân tình người này, việc kia”. Cái áo khoác màu xanh lá cây ở trại Davis ngày nào, dẫu sờn nhưng vẫn là chiếc áo mà chú Sáu thích mặc nhất, như để nhắc nhớ nhiều điều từ trong gan ruột, trong thẳm sâu cuộc đời, những ký ức của một thời và mãi mãi.

Chú Sáu là người luôn yêu thương, chăm lo cho cán bộ trẻ, lớp trẻ. Những năm sau giải phóng, chú đã giúp Thành đoàn nhiều trong phối hợp tổ chức các hoạt động. Chú là một nhà lãnh đạo mà cán bộ trẻ thấy dễ gần, dễ mở lòng, trò chuyện như người thân trong gia đình. Có lần chú còn kêu các em, các cháu đến nhà chiêu đãi món chè trôi nước do thím nấu sau một hoạt động, một sự kiện lớn.

Sát cánh với các đồng chí lãnh đạo TP những năm đầu đổi mới, chú Sáu Thảo thuộc thế hệ lãnh đạo dạn dày kinh nghiệm, luôn gắn bó cùng nhau, luôn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đưa TP đi lên. Cho tới cuối đời, điều mà chú Sáu Thảo luôn nung nấu, luôn trăn trở là vai trò đầu tàu của TP HCM. Rằng phải tạo điều kiện, cơ chế để đầu tàu phát triển, đầu tàu phát triển cho đất nước tăng tốc phát triển…

Trong niềm thương tiếc và cảm xúc dâng trào, xin được viết đôi dòng tiễn biệt chú Sáu Thảo, một hiền tài, thông minh, nghĩa tình và sắc sảo!

Ông Dương Đình Thảo (Sáu Thảo) sinh ngày 2-1-1924 ở xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là phường 11, quận Gò Vấp, TP HCM), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy (khóa IV), nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy. Ông từ trần lúc 22 giờ 30 phút ngày 15-1-2017 (nhằm ngày 18 tháng chạp năm Bính Thân) tại nhà riêng, hưởng thọ 93 tuổi. Linh cữu quàn tại Nhà Tang lễ TP HCM (số 25 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3). Lễ viếng bắt đầu từ 17 giờ ngày 16-1. Lễ truy điệu diễn ra lúc 8 giờ ngày 19-1. Lễ động quan lúc 9 giờ ngày 19-1. An táng tại Nghĩa trang Thành phố (quận Thủ Đức).

Ph.Anh

Chiều 16-1, tại Nhà Tang lễ TP HCM, đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP do Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng dẫn đầu đã đến viếng ông Dương Đình Thảo và chia buồn cùng gia quyến.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo