Xét trên bình diện toàn cầu, có 2 loại chính sách có thể nghiên cứu áp dụng.
“Cổ điển” nhất chính là chính sách mà Trung Quốc và Ấn Độ đang áp dụng. Đó là tùy tình hình cụ thể, Chính phủ quyết định giá mua lúa tối thiểu của nông dân và chỉ định các doanh nghiệp quốc doanh mua những khối lượng lúa đủ lớn với giá tối thiểu đó để kích giá thị trường, bảo vệ lợi ích của nông dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những lời “kêu ca” từ những bất cập trong việc thực hiện chính sách, cho nên cần có những nghiên cứu thực tế đủ sâu để xem xét khả năng ứng dụng cho phù hợp với điều kiện của nước ta.
Một kinh nghiệm khác cũng đáng nghiên cứu để áp dụng là chính sách bảo hiểm giá lúa cho nông dân mà chính phủ Thái Lan tiền nhiệm đã áp dụng. Theo đó, nông dân và các tổ chức kinh doanh ở Thái Lan vẫn thực hiện các giao dịch theo giá thị trường được điều tiết bởi cung - cầu, còn chính phủ sẽ bù lỗ cho nông dân khoản chênh lệch giữa giá mua - bán thực tế, khi giá này thấp hơn mức giá bảo hiểm do chính phủ quy định.
Thực tế ở Thái Lan cho thấy trong “đêm trước” của chính sách thế chấp lúa gạo đầy tai tiếng hiện nay, mức giá lúa bảo hiểm của chính phủ Thái là 11.000 baht/tấn, trong khi giá thị trường chỉ là 9.800 baht/tấn, cho nên 1.153 baht/tấn chính là khoản tiền mà chính phủ Thái Lan rót vào túi từng nông dân cụ thể.
Từ tình hình tế ở vùng ĐBSCL những năm gần đây, hoàn toàn có thể nghiên cứu áp dụng một chính sách rất hữu ích và một điều cũng đặc biệt quan trọng là chặt chẽ hơn nhiều trong việc hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo.
Chẳng hạn, liên kết giữa Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang với các hộ nông dân trồng lúa ở đây cho thấy hợp đồng mà công ty này ký với từng hộ nông dân là cơ sở pháp lý chính xác và đầy đủ nhất về hoạt động sản xuất lúa của nông dân và hoạt động kinh doanh lúa gạo của doanh nghiệp. Đây sẽ là căn cứ để Chính phủ rót tiền trực tiếp vào túi nông dân và cũng là căn cứ để Chính phủ có thể tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp trong những trường hợp cần thiết.
Do vậy, vấn đề đặt ra là Chính phủ cần quyết liệt trong việc buộc các doanh nghiệp muốn kinh doanh xuất khẩu gạo thì phải xây dựng vùng lúa nguyên liệu, chứ không thể nửa vời theo kiểu doanh nghiệp “có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa”, tức là có thể chỉ làm lấy lệ thì cũng được ưu tiên như doanh nghiệp “làm thật” theo quy định hiện hành của Bộ Công Thương.
Rõ ràng, một khi mô hình này được nhân rộng, chúng ta sẽ có được bước phát triển vượt bậc về chất trong sản xuất lúa và xuất khẩu gạo của nước ta. Đó là, kiểm soát được dư lượng hóa chất, lúa gạo không bị lẫn loại và bảo đảm truy xuất được nguồn gốc. Và do vậy, hoàn toàn có thể xây dựng được thương hiệu cho gạo xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước.
Muốn vậy, điều đương nhiên không thể né tránh là cần bỏ Nghị định 109/2010/NĐ-CP ký ban hành ngày 4-11-2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo và xây dựng một khuôn khổ pháp lý đáp ứng cuộc cách mạng trong nông nghiệp của nước ta hiện nay.
Bình luận (0)