Ngày 6-1, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM đã tổ chức tọa đàm về chính sách tín dụng cho thị trường BĐS trong năm 2014.
Lãi suất vẫn quá cao
Ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Long, nhận xét: Một trong những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay là khách hàng thiếu lòng tin. Nhiều người nghĩ giá nhà còn thấp nên doanh nghiệp (DN) BĐS sẽ phải bán tống bán tháo. Gần đây, các ngân hàng (NH) liên tục quảng cáo cho vay mua nhà với lãi suất 7%-9%/năm nhưng thực tế NH chỉ chào lãi suất thấp vài tháng đầu còn thả nổi sau đó. “Đây là ẩn số rất lớn cho người mua nhà. Nếu lãi suất còn mơ hồ như hiện nay thì người dân sẽ không dám vay tiền” - ông Quang nói.
Đối với các khoản vay cũ, nhiều DN kêu hiện vẫn phải chịu lãi suất cao dù là khách hàng thân thiết của NH. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành, cho biết khoảng 1 năm nay, khoản vay 50 tỉ đồng của DN ông vẫn phải trả lãi suất 15%/năm dù mặt bằng lãi suất đã hạ nhiều. Không ít lần DN kiến nghị NH điều chỉnh hạ lãi suất nhưng không được chấp thuận. Chỉ 2 tháng trở lại đây, NH mới hạ lãi suất khoản vay này về 14,5%/năm dù DN chưa một lần trả lãi chậm. “DN làm nhà ở thương mại chất lượng cao, cho thuê 49 năm với giá chỉ 10 triệu đồng/m2 nhưng lại không được chính sách ưu đãi nào” - ông Nghĩa bức xúc.
TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thông tin lãi suất thời gian qua đã giảm nhiều. Năm nay, mục tiêu lạm phát được kiểm soát ở mức 7% thì mức lãi suất sẽ bảo đảm cho cả người vay và người gửi. Sắp tới, nếu kinh tế vĩ mô tiếp tục tiến triển tốt, lạm phát thấp hơn có thể hạ thêm lãi suất.
Cần ổn định chính sách
TS Vũ Viết Ngoạn đánh giá thị trường BĐS còn nhiều khó khăn dù đã qua đoạn đường chông gai. Tại TP HCM, hiện có tới 55,8% các dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, đang ngưng triển khai là tỉ lệ khá lớn. Nếu tính theo diện tích, có đến 8.600 ha/11.700 ha đã và đang ngừng triển khai, chiếm hơn 70% tổng diện tích, là thực trạng cho thấy thị trường và DN BĐS còn nhiều khó khăn.
Nhiều DN BĐS kiến nghị chính sách tài khóa cần ổn định trong thời gian từ 3-5 năm để DN chủ động thời gian đầu tư, phòng ngừa rủi ro, tránh bị “chết đột ngột” như thời gian qua. Việc thay đổi chính sách liên tục, không chỉ DN BĐS trong nước chết mà cả DN nước ngoài cũng nản.
“Một dự án BĐS phải mất 3-10 năm mới hoàn thành, trong khi lãi suất cao, chính sách thuế, giá đất 1 năm điều chỉnh một lần… không thể tính được hiệu quả khiến cả DN trong nước và nước ngoài không dám đầu tư” - ông Lâm Văn Chúc, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Địa ốc Phúc Đức, nhận xét.
Theo TS Vũ Viết Ngoạn, cải cách cơ chế chính sách, thủ tục hành chính đang là 1 trong 3 khâu đột phá của nền kinh tế. Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn cho DN BĐS, NH Nhà nước đã ưu tiên cho các DN và thị trường BĐS là cho phép cơ cấu lại nợ, đánh giá lại tình hình tài chính của DN để cho vay. “Tuy không giảm chuẩn mực tín dụng cho vay nhưng với những dự án tốt đang gặp khó khăn về tài chính, thủ tục hành chính… sẽ được giãn, khoanh nợ và cho vay khi được đánh giá dự án khả thi. Đây là một bước tiến quan trọng, được xem là “vô tiền khoáng hậu” - TS Vũ Viết Ngoạn thông tin.
Gói 30.000 tỉ đồng mới giải ngân 2%
Theo Hiệp hội BĐS TP HCM, gói 30.000 tỉ đồng đến nay chỉ giải ngân được gần 2% là quá chậm. Ông Nguyễn Xuân Quang cho rằng gói tín dụng triển khai khó bởi vấn đề nhà thu nhập thấp đang vướng nhiều quy định, thủ tục rất khó để giải ngân. Ngay cả sản phẩm BĐS đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp cũng hạn chế.
Bình luận (0)