Ngay giữa thủ đô Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy - một công trình quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia - với sự tham gia thiết kế, thi công, giám sát… của các đơn vị đầu ngành của Bộ Giao thông Vận tải - lộ ra hàng loạt vết nứt bất thường. Nhiều chuyên gia, quan chức lý giải “vết nứt đã xuất hiện từ năm 2010, đang theo dõi xử lý…”, “vết nứt không nghiêm trọng, cầu vẫn sử dụng an toàn…”. Phát biểu nhẹ nhàng như vậy rõ ràng chưa thấy hết trách nhiệm, chưa nói là cần xem lại năng lực kiến thức về xây dựng cầu đường.
Vết nứt rộng gần 3 mm, gấp gần 10 lần cho phép theo tiêu chuẩn quy định. Thế mà ban quản lý dự án cứ nói không sao thì cũng thật lạ. Bởi vậy, không dưng mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu trước khi vội vã trám trét, phải có kết luận kiểm định của một tổ chức tư vấn kiểm định độc lập đúng nghĩa và thật sự có kinh nghiệm năng lực.
Trở lại chuyện sụp cầu treo Chu Va 6, không phải do hiệu ứng cộng hưởng, kim loại thép bị ăn mòn hay đoàn đám tang đã vượt quá tải trọng cầu treo vốn chỉ thiết kế chịu được 1,5 tấn. Các giả thuyết trên hoàn toàn không có cơ sở khoa học cũng như kiến thức về tải trọng cho công trình cầu.
Thiết kế cầu- dù là cầu nông thôn, miền núi- đều phải có tiêu chuẩn tải trọng cho xe và người qua cầu. Không tiêu chuẩn nào nói chung chung là cầu chịu 1,5 tấn, mà phải là thiết kế với các tải trọng loại gì, tập trung hay phân bố, cường độ bao nhiêu. Như vậy, đừng nên cho rằng cầu treo sụp do quá tải. Nói thế là quá tội cho những người đã mất hoặc bị thương trong sự cố này. Những bức ảnh từ hiện trường cho thấy ốc neo đã bị đứt ngang như một vết chém. Rõ ràng chỉ do thiết kế hoặc thi công không bảo đảm chất lượng kim loại gia công ốc neo.
Một công trình quá lớn như cầu Vĩnh Tuy nằm ngay thủ đô Hà Nội nhưng các đơn vị tham gia quản lý chất lượng vẫn còn sơ sài, thiếu sót. Một công trình bé, quá xa xôi trên vùng cao, không ai để ý đến cái bảng báo tải trọng cầu vô duyên và vô trách nhiệm, và chắc là cũng không ai quan tâm đến Luật Xây dựng là gì, nghị định quản lý chất lượng ra sao.
Hai sự cố đang mài mòn niềm tin trong người dân về chất lượng các công trình. Chính phủ và các bộ quản lý chuyên ngành về xây dựng cần xem lại những quy định về quản lý chất lượng đã ban hành, gắn trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, xử lý cá nhân vi phạm thật nghiêm và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật nhằm kịp thời bổ sung, thay đổi phù hợp với thực tế hơn.
Bình luận (0)