xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tôi xin nhận trách nhiệm

Phạm Dương

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn như vậy khi trả lời chất vấn về vụ Vinashin và cho biết Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng có liên quan đang nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm

 Dù đã chất vấn Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng nhưng các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) vẫn tỏ rõ sự băn khoăn, lo lắng về đề án tái cơ cấu tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin), xác định các trách nhiệm liên quan khi để tập đoàn này đứng bên bờ vực phá sản... khi liên tiếp đặt ra những câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sáng 24-11.

 
img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: Mạnh Duy
 
Tái cơ cấu Vinashin là khả thi
 
Cho rằng nhân dân vui mừng nếu Vinashin tái cơ cấu thành công, có khả năng tự vay, tự trả song ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) mở màn cho những chất vấn trực tiếp với lo ngại về khả năng trả nợ của tập đoàn này.
 
Dưới cái nhìn của một doanh nhân, bà Loan phân tích: Với số nợ trên 86.000 tỉ đồng, mỗi năm phải trả lãi ngân hàng 15.000 tỉ đồng, số nợ này sau 5 năm sẽ tăng lên 160.000-170.000 tỉ đồng, trong khi doanh thu năm 2010 chỉ là 13.500 tỉ đồng và số lỗ là 1.100 tỉ đồng thì Vinashin sẽ “tự vay, tự trả” thế nào?
  
  Trước vấn đề ĐB Phạm Thị Loan đặt ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Đề án tái cơ cấu Vinashin là khả thi”. Thủ tướng cho biết Chính phủ, Ban Chỉ đạo tái cơ cấu quốc gia và HĐQT Vinashin sẵn sàng trình bày việc làm thế nào để trả nợ với ĐBLoan.
 
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận từ đề án trở thành hiện thực là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể. “mong các vị ĐBQH và nhân dân chia sẻ, ủng hộ, giám sát” – Thủ tướng nói.
 
Cùng mối lo với ĐB Loan, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đặt câu hỏi: “trong các dự án chuyển từ Vinashin sang Petro VN (Tập đoàn Dầu khí quốc gia) và Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải VN), có dự án nào là nợ quá xấu và liệu việc chuyển giao này có làm lây lan cái xấu hay không?”
 
Trả lời, Thủ tướng cho biết giá trị dự án chuyển giao có thể cao, bằng hoặc thấp hơn và các dự án này vẫn đang được đánh giá. Theo Thủ tướng, trong số hơn 20 tàu chuyển sang Vinalines, có cái đã bán được giá cao và lời mấy triệu USD.
 
Bít lỗ hổng pháp lý
  
Bày tỏ sự đồng tình việc tái cơ cấu Vinashin nhưng ĐB Trần Du Lịch vẫn tỏ ra lo lắng về sự minh bạch thông tin, đầu tư của các tập đoàn Nhà nước như Vinashin.
 
Là một chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch hiến kế: từ bài học Vinashin, Thủ tướng với quyền hạn của mình bắt buộc tất cả các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải công bố thông tin như là những doanh nghiệp tư nhân khi niêm yết trên thị trường chứng khoán để tạo công cụ cho người dân giám sát.
 
ĐB Trần Du Lịch cũng đề nghị sớm có Luật Quản lý vốn kinh doanh Nhà nước mà bản thân ông đã đề nghị từ đầu nhiệm kỳ nhằm bịt những lỗ hổng về cơ chế, pháp luật, trách nhiệm đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sau khi Luật Doanh nghiệp hết hiệu lực từ ngày 1-7 vừa qua.
 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ trình QH luật về tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu song cũng trấn an rằng không phải các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước hoạt động không có hệ thống, khuôn khổ pháp luật mà hiện đang có các nghị định liên quan.
 
Theo Thủ tướng, dù là mô hình mới, thí điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm song cũng đã có nghị định về tổ chức quyền chủ sở hữu được sửa đổi 2-3 lần. mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định quản lý thí điểm các tập đoàn kinh tế.
 
“Chính phủ sẽ cố gắng nâng cao hiệu lực của khuôn khổ pháp lý này bằng luật để quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn nhưng cũng bảo đảm, tạo điều kiện cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm ăn hiệu quả trong cơ chế thị trường...” - Thủ tướng cho biết.
 
Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm
 
Dẫn điều 33 Luật Doanh nghiệp quy định chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức vụ tổng giám đốc, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn trách nhiệm của Thủ tướng khi ký quyết định để ông Phạm Thanh Bình (đã bị bắt – PV) giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin?
 
Không né tránh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận là người bổ nhiệm chủ tịch HĐQT Vinashin nhưng cho biết việc ông Phạm Thanh Bình kiêm nhiệm hai chức vụ này đã có từ năm 1999.
 
Theo Thủ tướng, khi Vinashin thành tập đoàn, cũng muốn thí điểm thuê tổng giám đốc nhưng vì chưa tìm được người nên ông - khi đó là Phó Thủ tướng - và Ban Cán sự Đảng của Chính phủ đồng ý để ông Bình kiêm nhiệm theo đề nghị của tập đoàn.
 
“Chúng tôi sẽ kiểm điểm rõ trách nhiệm về việc này” - Thủ tướng nói. Những chất vấn về trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ và các thành viên Chính phủ về Vinashin cũng được các ĐB Phạm Thị Loan, Nguyễn Minh Thuyết, Vũ Hoàng Hà (Bình Định) lần lượt đặt ra. Không né tránh, Thủ tướng thẳng thắn: “Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm”.
 
Theo Thủ tướng, ông cùng các Phó thủ tướng, các bộ trưởng có liên quan về trách nhiệm trong quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đang tiến hành kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm cụ thể của mình. Thủ tướng khẳng định việc kiểm điểm là nghiêm túc, cụ thể và không qua loa.
 
 “Chúng tôi sẽ báo cáo lên Trung ương trước hội nghị Trung ương lần thứ 14” - Thủ tướng cho biết.
 
Không phải không dám kỷ luật ai
 
Nhắc lại điều Thủ tướng từng phát biểu khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XII là “hơn 3 năm nay, tôi làm Thủ tướng nhưng chưa xử lý, kỷ luật một đồng chí nào”, ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) hỏi: “Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm gì từ việc Vinashin và có giải pháp gì để siết chặt kỷ cương quản lý hành chính Nhà nước?”.
 
Thủ tướng cho rằng ý ông nói cách đây một năm tại diễn đàn QH là không phải Thủ tướng không dám kỷ luật ai và trong thực tế Thủ tướng không kỷ luật ai mà có lẽ do cách diễn đạt chưa được rõ và đầy đủ ý của mình.
 
Giải thích rõ hơn câu nói trước đây, Thủ tướng cho biết tinh thần mà ông muốn trình bày là mỗi người đứng đầu, mỗi cấp ủy lãnh đạo cần thường xuyên và trước hết tăng cường quản lý để cán bộ, công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực, trách nhiệm, chấp hành pháp luật, chấp hành kỷ cương, hoàn thành chức trách công vụ...

“Làm được như vậy thì sẽ không có ai bị xử lý hoặc hạn chế thấp nhất người bị xử lý” – Thủ tướng nói.
 
Thủ tướng cho rằng muốn không kỷ luật cũng không được vì quy định của Đảng, pháp luật nhà nước là phải kỷ luật, Thủ tướng phải làm, Thủ tướng phải hành động...
 
“Với Vinashin, những người lãnh đạo không chấp hành đã bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, của Đảng. Tôi nghĩ như thế là nghiêm minh” – Thủ tướng nói.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo