Ngoài lý do thương mại, gần đây, do cơ quan quản lý tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn đối với một số loại hình kinh doanh như tạm nhập - tái xuất, kho ngoại quan, chuyển khẩu... nên nhiều chủ hàng đã “bỏ của chạy lấy người”.
Có dấu hiệu phạm pháp
Theo báo cáo của Cục Hải quan Hải Phòng, những năm gần đây, tại khu vực cảng Hải Phòng, lượng hàng hóa tồn đọng do quá thời hạn làm thủ tục hải quan tăng nhanh. Đến tháng 4-2015, có trên 3.700 container hàng tồn đọng, chủ yếu là cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng, máy móc, thiết bị, quần áo cũ, phế liệu các loại... Trong đó, phần lớn có giá trị thấp, không xác định được chủ sở hữu.
Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng, cho biết ngoài hơn 3.700 container tồn đọng, thời gian qua, Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan đã xử phạt vi phạm hành chính, buộc tái xuất, tiêu hủy hơn 1.300 container hàng hóa tại các cảng biển ở Hải Phòng.
Tuy nhiên, việc xử lý hơn 3.700 container tồn đọng đang gặp nhiều khó khăn, như phần lớn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, là phế liệu, giá trị thấp, thời gian tồn lưu quá lâu khiến chi phí lưu kho bãi lớn hơn nhiều giá trị lô hàng. Vì thế, ngoài số hàng hóa của các doanh nghiệp thuộc Vinashin, Vinalines “quên” ở các cảng, đa số là do chủ hàng cố tình “bỏ của chạy lấy người” và phần lớn là hàng tạm nhập - tái xuất.
Đại diện Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đánh giá: “Hàng tồn đọng tại cảng không chỉ xảy ra ở Hải Phòng mà còn ở nhiều địa phương khác. Trong đó, chủ yếu là hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đủ thủ tục”.
Cần ngăn chặn từ xa
Theo Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP Hải Phòng, trong hoạt động tạm nhập - tái xuất, đối tượng xuất và nhận đều là người nước ngoài. “Nếu phát hiện hàng gian đã nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng công an thì lập tức, người đứng tên nhận hàng trên vận đơn sẽ từ chối nhận với lý do không mua hoặc không đúng chủng loại cam kết…
Trong khi đó, đối tượng xuất sẽ thông báo họ bị trục trặc kỹ thuật và đề nghị trả hàng về xuất xứ. Vì vậy, lực lượng chức năng rất khó xử lý” - ông Ca nêu thực tế.
Ông Nguyễn Tiến Lộc cho biết theo quy định, việc xử lý hàng hóa tồn đọng phải qua nhiều thủ tục nên rất mất thời gian. Ngay cả việc tiêu hủy cũng không đơn giản do chi phí cao. Bên cạnh đó, nhiều loại hàng hóa không thể kiểm tra do sau khi bốc ra không đóng lại vào container được dẫn đến ô nhiễm môi trường, nhất là phế liệu.
Theo lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng, Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động của hải quan. Tuy nhiên, để xử lý triệt để, cần có sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh cảng và hãng tàu. Bởi khó khăn lớn nhất trong thời gian qua đối với cơ quan hải quan trong xử lý container tồn đọng là phải chi trả phí lưu kho, bãi, vỏ container quá nhiều.
Lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng nhấn mạnh giải pháp xử lý hàng tồn đọng vừa đưa ra chỉ giải quyết phần ngọn. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ để ngăn chặn từ xa hành vi đưa phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bình luận (0)