Tại buổi tọa đàm Chung tay phòng chống tham nhũng vì sự phát triển do Thanh tra Chính phủ và Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam tổ chức sáng nay 9-12, trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về việc Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014) cho thấy điểm số CPI của Việt Nam trong 3 năm liên tiếp (2012-2014) không thay đổi, tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia, ông Trần Đức Lượng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết hiện nay có nhiều chỉ số đánh giá về tình hình tham nhũng, kết quả phòng chống tham nhũng của các quốc gia.
“Theo quy chế phối hợp, chúng tôi được thông tin trước 1 ngày (thông tin về CPI 2014 - PV) và ngay ngày hôm sau tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì Thủ tướng cũng đã nhắc việc này rồi. Theo chỉ số đó thì nếu thay đổi trên dưới 0,3 điểm thì tình hình phòng chống tham nhũng có sự thay đổi lớn. Trung Quốc từ 40 điểm năm 2013 đã tụt xuống còn 36 điểm trong năm 2014 có nghĩa là tham nhũng ở Trung Quốc tăng lên. Việt Nam với 31/100 điểm ở nhóm nước không tăng không giảm trong 3 năm qua. Đánh giá của cá nhân tôi thì thấy rằng việc này phù hợp với những đánh giá của chúng ta. Chúng ta đã làm quyết liệt, một số lĩnh vực đã có chuyển biến nhưng người dân còn bức xúc, đặc biệt là tham nhũng vặt còn phổ biến, trong lĩnh vực y tế, tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua gây thiệt hại lớn cho nhà nước, người dân và xã hội”- ông Lượng nói.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng khẳng định kết quả mà TI công bố phù hợp với đánh giá của Việt Nam trong thời gian qua. “Trong 3 năm qua, chúng ta không tụt không tăng có nghĩa là có tính ổn định. Chúng ta chưa đạt được kết quả như mong muốn là từng bước đẩy lùi tham nhũng”- ông Tranh nói.
Người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ cho rằng không thể hài lòng với kết quả trên. Ngay trong năm 2015, Chính phủ sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tìm ra những giải pháp thiết thực, hữu hiệu, giúp công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả tốt hơn.
Trước đó (ngày 3-12), Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014), xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ.
Theo kết quả này, năm 2014 Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Một điều đáng chú ý là điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi trong 3 năm liên tiếp (2012- 2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
Đặc biệt, trong khi Việt Nam không có thay đổi về điểm số thì các quốc gia láng giềng lại đang cải thiện kết quả CPI của họ. Trong số 9 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá năm nay, Việt Nam đứng thứ 6, chỉ xếp hạng trên Lào, Campuchia và Myanmar. Đa số các quốc gia trong khu vực đều có cải thiện về mặt điểm số (tăng từ 1 đến 3 điểm), ngoại trừ Myanmar là nước cũng không có thay đổi nào về điểm số, Lào giảm 1 điểm và Singapore giảm 2 điểm.
Bình luận (0)