Lộ trình tăng giá nước vừa được Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) trình tại hội nghị chuyên đề về phương án điều chỉnh giá nước ở TP HCM giai đoạn 2015-2019 do Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức chiều 20-1.
Còn nhiều băn khoăn
Theo ông Lê Hữu Quang, Trưởng Phòng Kinh doanh dịch vụ khách hàng SAWACO, tăng giá nước là cần thiết để phát triển ngành nước TP bởi chi phí đầu tư chiếm khoảng 72% giá thành nước sạch trong 5 năm tới. Giá nước bắt đầu điều chỉnh từ năm 2015.
“Lộ trình mới có thêm giá nước ưu đãi cho hộ nghèo, nếu sử dụng trong định mức (4 m3/người/tháng) thì trong năm 2015 sẽ không tăng so với năm 2014 và những năm tiếp theo luôn thấp hơn hộ dân cư khác” - ông Quang nói.
Ông Quang cho rằng mức tăng giá nước 10,5%/năm thời gian tới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của đại bộ phận người dân và có tính toán đến khả năng chi trả của người dân bởi theo Niên giám thống kê của Cục Thống kê TP, mức tăng thu nhập bình quân đầu người một tháng từ năm 2006-2012 là 21,6%/năm. “Như vậy, mức tăng giá nước thực tế là không tăng so với thu nhập của người dân TP” - ông Quang nhận định.
Tuy đồng ý đề xuất về lộ trình tăng giá nước của SAWACO nhưng một số đại biểu lo ngại giá nước tăng 10,5%/năm và tăng trong 5 năm, tức hơn 50% so với giá hiện nay, là quá cao. Giá nước tăng sẽ kéo theo giá thành các dịch vụ, sản xuất - kinh doanh tăng, ít nhiều gây áp lực cho doanh nghiệp (DN) và đời sống người dân.
Theo một số đại biểu, mức tăng giá nước nên dưới 10%/năm. Mặt khác, nhiều đại biểu “không thể chấp nhận” khi tỉ lệ thất thoát nước (TTN) quá cao. Luật sư Trương Thị Hòa, ủy viên Ủy ban MTTQ TP, lo ngại tỉ lệ TTN hiện nay còn quá cao, ở mức 33%, dù mục tiêu đề ra của SAWACO là phấn đấu giảm còn 25% đến năm 2025 nhưng tỉ lệ này vẫn cao.
“Tại sao SAWACO không tìm giải pháp giảm TTN để khỏi phải tăng giá nước?” - bà Hòa đặt vấn đề. Cùng băn khoăn như luật sư Trương Thị Hòa, đại diện Hội Người cao tuổi, ông Châu Minh Tỷ, kiến nghị: “SAWACO phải tìm được nguyên nhân chính xác vì sao bao nhiêu năm nay, tỉ lệ TTN vẫn cao? Do đường ống hay tình trạng ăn cắp nước? Ngành nước nên tập trung giảm TTN, lúc đó giá nước không phải tăng, người dân không lo lắng nữa”.
Băn khoăn rất nhiều về lộ trình tăng giá nước lần này, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP, cho biết năm 2014, các DN gặp rất nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế, dự kiến năm 2015 tình hình không khá hơn. “SAWACO nên lưu tâm đến “sức khỏe” của các DN, đặc biệt là xem lại mức tăng, thời điểm tăng cho phù hợp tình hình kinh tế hiện nay” - ông Minh kiến nghị. Theo ông Minh, nên kêu gọi xã hội hóa ngành cấp nước để tăng tính cạnh tranh. Trong lúc chưa xã hội hóa, TP nên hỗ trợ để SAWACO đầu tư đường ống, bảo đảm mục tiêu cấp nước cho người dân nhưng vẫn không tăng giá.
Xem xét kỹ trước khi thông qua
Giải trình những vấn đề mà các đại biểu nêu ra, Phó Tổng Giám đốc SAWACO Bạch Vũ Hải cho biết TP HCM và Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận tỉ lệ TTN cao hơn so với chuẩn cả nước do mạng lưới rất lớn. Theo ông Hải, tỉ lệ TTN tùy vào đặc điểm từng nước. Năm 2013, TTN ở Thái Lan là 30% nhưng chính phủ nước này không đầu tư để tiếp tục giảm TTN mà xây một nhà máy mới nhằm bù đắp lượng nước đã mất.
"Giá nước không bù được việc đầu tư phát triển cho nên từ trước đến nay, SAWACO chỉ tập trung phát triển để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân và không đặt vấn đề cải tạo, sửa chữa, rò rỉ” - ông Hải thông tin.
Về xã hội hóa, ông Hải cho biết hiện SAWACO đã được xã hội hóa bằng hình thức cổ phần hóa. Đến năm 2015, 6 đơn vị cấp nước của tổng công ty đều đã cổ phần hóa. Ngành cấp nước thực hiện xã hội hóa triệt để, theo lộ trình là trước năm 2018 sẽ xong.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, ông Phạm Văn Đông, cho rằng chưa có lúc nào vấn đề nước sạch được người dân quan tâm như hiện nay. “HĐND TP sẽ nghe kỹ thêm về vấn đề TTN trước khi thông qua” - ông Đông nói.
Hơn 300.000 hộ dân chưa có nước sạch
Thống kê của SAWACO cho thấy đến cuối năm 2014, TP HCM có 13/19 quận nội thành và 2/5 thị trấn được cung cấp nước sạch 100%, hiện còn khoảng 317.200 hộ dân chưa được cấp nước sạch. Khu vực nội thành (đô thị) còn hơn 76.800 hộ dân chưa được cung cấp nước sạch, tập trung tại các quận 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú, Tân Bình... Các xã ngoại thành còn hơn 240.280 hộ dân chưa có nước sạch, tập trung tại 15 xã của huyện Bình Chánh, 11 xã của huyện Hóc Môn và 20 xã của huyện Củ Chi. Theo nghị quyết của HĐND TP HCM, 100% hộ dân TP được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh trong năm 2015.
Bình luận (0)