Phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp, công ty sản xuất thuộc khu vực dự án được Sở Kế họach - Đầu tư hoặc UBND huyện quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đã không hoặc chưa xử lý nguồn nước thải theo đúng tiêu chuẩn về môi trường.
Bình quân mỗi ngày có hơn 155.250 m3 nước thải xả vào kênh rạch
Nhiều đơn vị chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải đúng kỹ thuật hoặc không có giải pháp để xử lý; có đơn vị sau khi sản xuất đã xả nước thải trực tiếp vào kênh, nước thải sau khi thải ra kênh có nồng độ pH, COD, BOD... đều vượt quá mức cho phép. Trong số đó có cơ sở sản xuất cồn và khí CO2 Lê Gia (A63, ấp 6, xã Xuân Thới Thượng), Công ty Sản xuất Cao su Tấn Thành, Công ty Sản xuất Cao su Thành Long, Công ty TNHH Giấy An Thiên... Sự suy thoái, ô nhiễm nguồn nước đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở kênh C16 (cạnh KCN Lê Minh Xuân), kênh T10 và kênh Liên vùng thuộc hệ thống công trình thủy lợi của dự án Hóc Môn - Bắc Bình Chánh. Một số nhà máy, cơ sở thuộc một số KCN của tỉnh Long An nằm sát khu vực dự án cũng để xảy ra tình trạng tương tự.
Còn theo Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường TPHCM, tổng lượng nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn TPHCM đổ vào các kênh rạch và sông là 155.250 m3/ngày với tổng tải lượng BOD là 26.380 kg/ngày - đêm. Nhiều khu vực nước mặt bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp như: khu vực suối Cái, Xuân Trường, suối Nhum ở Thủ Đức, kênh Tân Hóa - Lò Gốm... Tầng nước ngầm tại một số khu vực bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp như: các giếng đào cạn tại khu vực Xuân Hiệp, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức dọc theo suối Cầu Đá, các giếng cạn gần các cơ sở sản xất cụm công nghiệp Phước Long, quận 9... đã không còn sử dụng được mà phải khoan xuống tầng nước sâu hơn. Lượng nước thải của TP hiện nay hầu như chưa được xử lý mà đều xả vào kênh rạch. Bên cạnh đó, một lượng rác không nhỏ xả xuống kênh rạch càng làm tăng mức độ ô nhiễm. Do vậy, 7 hệ thống kênh rạch của TP không phải để thoát nước mưa mà đang làm chức năng tiêu thoát nước thải.
Nắng hạn kéo dài, nguồn nước càng ô nhiễm nặng
Tiến sĩ Lê Thành Bảo Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nước và phòng chống lụt bão, cho biết: Chỉ tính riêng hai huyện Hóc Môn và Bình Chánh, có gần 200 ha cây trồng thiếu nước tưới. Các cơ sở sản xuất thải chất bẩn vào nguồn nước của hệ thống kênh Hóc Môn - Bắc Bình Chánh, kênh Thầy Cai gây ô nhiễm nặng; nhiều khu vực mực nước ngầm bị tụt sâu. Người dân sử dụng nước sông rạch bị pha loãng để tưới rau, quả và cây trồng dẫn đến tình trạng rau, quả và cây trồng cũng bị ô nhiễm nặng...
Cũng theo ông Đức, nguồn nước của hệ thống sông Sài Gòn- Đồng Nai đang cạn kiệt và bị nhiễm mặn với nồng độ cao hơn năm trước. Còn mực nước tại hồ Dầu Tiếng có thể cung cấp đủ nước tưới để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, tình hình nước nhiễm mặn sẽ trở nên căng thẳng nếu đến tháng 6, tháng 7 vẫn không có mưa. Ngoài chuyện thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất, thì nguồn nước chắc chắn càng bị ô nhiễm nhiều hơn do ảnh hưởng từ các cơ sở sản xuất thải chất bẩn vào nguồn nước. Bởi vì có mưa thì dòng chảy sẽ rửa sạch bớt các chất bẩn. Mực nước ở các giếng quan trắc gần các nhà máy lớn đã hạ thấp đáng báo động. Ngày 16-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức họp bàn về giải pháp chống hạn, phục vụ sản xuất.
Một vài thông số đáng ngại trong nước mặt của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai 1. pH, chất rắn lơ lửng, Nitrat, Amôn Hàm lượng các thông số chỉ thị ô nhiễm do chất dinh dưỡng như: Nitrat, Amôn, tổng N, tổng P... thường khá cao, đã đạt mức tới hạn của ngưỡng cho phép đối với nguồn nước loại A và đã tạo phú dưỡng cục bộ ở một số nơi như bến đò Thanh An, cầu Sông Bé (Sông Bé), sông La Ngà tại cầu La Ngà, sông Đồng Nai tại Hóa An... Ô nhiễm do chất dinh dưỡng biểu thị với mức độ cao tại một số sông nước mặn trong vùng như: sông Thị Vải, sông Dinh... 2. Chất hữu cơ Các khu vực có mức độ ô nhiễm hữu cơ cao là: Trên địa bàn TPHCM tại khu vực cảng Sài Gòn, trên sông Đồng Nai tại TP Biên Hòa, ô nhiễm hữu cơ thể hiện rõ ở đoạn sông chảy qua TP Biên Hòa và dần về phía hạ lưu. Hệ thống sông Thị Vải bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng mà nguồn gây ô nhiễm lớn nhất là Công ty Vedan (chiếm 90% tải lượng BOD trong tổng số các nguồn thải ven sông Thị Vải). Khu vực bị ảnh hưởng rõ rệt từ thượng lưu về Mỹ Xuân. Từ Phú Mỹ ra biển mức độ ô nhiễm giảm đi. Ô nhiễm hữu cơ ở mức độ đáng lo ngại tại các điểm lấy nước vào các nhà máy nước: Tại Hóa An (sông Đồng Nai) - điểm lấy nước vào Nhà máy nước Thủ Đức, tại Thiện Tân (sông Đồng Nai), tại Bến Than (sông Sài Gòn), sông Ray là một trong những nguồn nước mặt quan trọng trong quy hoạch cấp nước của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại khu vực đập Cầu Đỏ trước khi vào Nhà máy nước Sông Dinh (cách 600m). 3. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) Trong nước sông có tồn tại một số loại hóa chất BVTV mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấm sử dụng, tuy vậy còn ở mức hàm lượng vô cùng nhỏ nên chưa có hiện tượng nước sông bị ô nhiễm do hóa chất BVTV. Trong các loại hóa chất, hàm lượng DDT có trong nước cao hơn nhiều so với các loại hóa chất BVTV khác, điều này chứng tỏ nó vẫn được sử dụng nhiều hơn các loại hóa chất BVTV khác mặc dù nó có độc tính rất cao và đã bị cấm sử dụng. (Nguồn: Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường) |
Bình luận (0)