Hàng loạt nỗi lo như trên được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra tại phiên thảo luận ở tổ ngày 25-10 về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2913; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.
Hụt ngân sách do thất thu
Cùng quan điểm, ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cho rằng thu ngân sách kém một phần do thất thu rất lớn. “Thu mua cà phê ở Lâm Đồng, nếu chặn lại thì bị thu, còn không thì cứ thế các xe chạy về TP HCM luôn. Cán bộ thuế chân trong chân ngoài, cán bộ thuế mà làm kế toán cho doanh nghiệp thì còn nói làm gì nữa, thất thu ngay trong nội bộ” - ĐB Tiến dẫn chứng.
ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng muốn thu được ngân sách thì phải chống được tham nhũng, chống được tiêu cực. Việc hụt thu từ đất đai rất lớn là do việc thực thi pháp luật về đất đai không đúng, có việc lạm dụng giao đất thay vì đấu giá ở nhiều nơi dẫn đến thất thu không nhỏ.
“Tôi biết có chuyện “cưa đôi” thuế giữa cơ sở kinh doanh với cán bộ thuế. Trong khi người dân nghèo nông thôn bưng mẹt vào chợ bán không thoát nổi thuế 2.000-5.000 đồng thì ở đô thị, doanh nghiệp trốn thuế tràn lan” - ĐB Hiến bức xúc.
Theo ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội), Chính phủ cần chỉ rõ “địa chỉ” gây thất thu lớn trong năm 2013 và yêu cầu giải trình cụ thể.
Cần minh bạch nợ công để có giải pháp trả
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đánh giá kỷ cương điều hành ngân sách đang có vấn đề. “Kinh tế khó khăn, đời sống người dân cũng thế nhưng vẫn tổ chức các buổi lễ hội, khởi công hoành tráng...” - ĐB Tâm phê phán. Chia sẻ quan điểm nay, ĐB Vũ Công Tiến cho rằng nhiều lĩnh vực chi vô tội vạ, không kiểm soát được hoặc có kiểm soát được thì sau đó lại cho qua. Xin - cho vẫn còn, chạy giỏi thì được, còn không thì kể cả dự án ý nghĩa dân sinh lớn cũng nằm chờ đấy.
ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) yêu cầu phải rạch ròi giữa chi đầu tư và chi tiêu dùng. “Tình hình không đến nỗi bi đát nhưng nếu chúng ta làm không khéo thì lại đẩy thành bi đát. Năm 2013 đã tạm an bài, còn năm 2014 thì sao? Tình trạng hụt thu, bội chi dự báo sẽ tiếp tục. Ngân sách đã đi vào tình trạng không những thu để chi mà còn phải trả nợ và vay đầu tư...” - ĐB Lịch cảnh báo.
Quan tâm tới nợ công, nhiều ĐBQH yêu cầu Chính phủ giải trình thêm. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng các khoản nợ đang trả nhiều hơn con số được công bố. Chính phủ luôn khẳng định trần nợ công đang ở mức an toàn nhưng nợ công phải hết sức minh bạch để có giải pháp tháo gỡ.
Còn theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), báo cáo của Chính phủ nhưng thực chất do Bộ Tài chính chuẩn bị nên chủ yếu gắn với thông tin thu - chi ngành tài chính mà thiếu sự gắn kết với các lĩnh vực khác như các khoản nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu hiện nay.
“Tôi đã nêu vấn đề nợ xấu tại mấy kỳ họp QH rồi nhưng đến giờ vẫn không biết nợ xấu là bao nhiêu, “tác giả” là ai, cá nhân nào đang có nợ xấu… Nợ xấu chính là tiền của chúng ta, của người dân” - ĐB Khánh nói.
Nâng bội chi thì phải ngăn được tham nhũng
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) băn khoăn: “Chúng ta đang phải đi vay với lãi suất rất cao. Khi duyệt dự án, phải tính toán kỹ tiêu chí hiệu quả kinh tế - xã hội. Có nhiều công trình đã hoàn thành, thắp điện sáng trưng nhưng không hoạt động thì sao nói hiệu quả được...”.
ĐB Nguyễn Văn Hiến cho rằng tham nhũng, lãng phí vẫn tràn lan như xây nhà vệ sinh mấy trăm triệu đồng, mua đống sắt vụn ụ nổi cả triệu USD, rồi thiết bị lắng 100 triệu đồng nâng lên thành 130 tỉ đồng. “Nếu chống được tham nhũng, lãng phí thì nâng bội chi cho đầu tư phát triển hơn nữa cũng chẳng lo. Dân nghi ngờ tất cả động cơ tốt đẹp của chúng ta” - ĐB Hiến nói.
Tiếp xúc cử tri, toàn nghe chửi! Lo lắng việc chi thường xuyên rất lớn, biên chế không giảm, cứ phình ra nhưng khi có chuyện thì thấy chẳng ai chịu trách nhiệm, chẳng ai làm đúng chức năng nhiệm vụ, ĐB Nguyễn Văn Hiến gay gắt: “Hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước yếu quá khiến người dân giảm niềm tin, có nơi người dân tự đứng ra quản lý thay nhà nước. Chúng ta cứ nói yên tâm là chưa phản ánh đúng tình hình. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi khổ lắm, chỉ thấy dân toàn chửi và chỉ mong cho nhanh hết đợt tiếp xúc”. |
Bình luận (0)