xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tri âm hội ngộ

DUY NHÂN - công tuấn

Bước vào không gian đờn ca tài tử quanh bờ Hồ Nam thơ mộng, khách như bị níu chân bởi tiếng lòng của hàng trăm nghệ nhân đến từ mọi miền đất nước tấu lên những giai điệu ngũ cung tuyệt diệu đến nao lòng

Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ nhất tại tỉnh Bạc Liêu là dịp hiếm hoi để hơn 350 nghệ nhân tiêu biểu nhất của vùng đất Nam Bộ hội ngộ, chia sẻ và phô diễn hết những tuyệt kỹ của mình. Người mộ điệu cũng có cơ hội lần đầu thưởng thức những gì tinh hoa nhất của di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vừa được UNESCO công nhận.

Những “gian hàng” vô giá

Hoạt động ĐCTT tại 21 địa phương thuộc khu vực miền Nam đã được tái hiện khá sống động trong 21 không gian riêng ở bờ Hồ Nam, TP Bạc Liêu. Trên một thiết kế hoàn toàn giống nhau, mỗi địa phương tự tạo sự khác biệt trong cách bài trí. Đó là chiếc xuồng ba lá của miệt sông nước Cà Mau, dàn nhạc cụ làm toàn bằng cây dừa của Bến Tre hay chiếc phản gỗ, bộ bàn ghế tre, bộ ấm chén của không gian ĐCTT Bạc Liêu...

Ông Nguyễn Chánh Khang, du khách đến từ Cà Mau, trầm trồ: “Tôi đã từng dự nhiều festival nhưng lần này mang lại cảm xúc đặc biệt nhất. Tôi mường tượng 21 không gian ĐCTT của 21 tỉnh, thành giống 21 gian hàng ở các festival lúa gạo, trái cây… Song, những “gian hàng” lần này là vô giá, có tiền cũng không thể mua được”.

Nghệ nhân Sơn Bá độc tấu đàn kìm bên bộ nhạc cụ làm toàn bằng gỗ dừaẢnh: DUY NHÂN
Nghệ nhân Sơn Bá độc tấu đàn kìm bên bộ nhạc cụ làm toàn bằng gỗ dừaẢnh: DUY NHÂN

Giữa trưa nắng chang chang, các không gian nhỏ hẹp trong mô hình chiếc nón lá nóng hầm hập vẫn không ngăn được nghệ nhân tấu đờn và cất giọng ca cao vút từ tận trái tim. Nghệ nhân Văn Năm, đến từ TP Cần Thơ, thổ lộ: “Chúng tôi đến đây với niềm đam mê được đờn và ca cho mọi người thưởng thức. Một tuần biểu diễn, chúng tôi không hề đòi thù lao, chỉ cần được chơi nhạc là vui rồi”. Không chỉ đem đến tiếng đàn lời ca ngọt ngào, các nghệ nhân còn vui vẻ hòa đàn và hát rất thoải mái với khách.

Trong một “gian hàng” treo bộ nhạc cụ làm bằng các bộ phận của cây dừa, người mộ điệu xúm xít, vỗ tay không ngớt khi nghệ nhân Sơn Bá (Nguyễn Văn Bá, tỉnh Bến Tre) độc tấu với cây đờn kìm do ông chế tạo. Nghệ nhân Sơn Bá cho biết đây là bộ nhạc cụ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, có tất thảy 27 món được làm bằng thân, trái, gáo dừa…

Sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, nghệ nhân Sơn Bá đam mê nhạc cụ ĐCTT từ năm 13 tuổi nhưng nghề chính của ông là sửa chữa điện tử. Năm 2011, nhân dịp đón Festival Dừa Bến Tre, họa sĩ Lê Dân tìm đến nhà người bạn thời kháng chiến là nghệ nhân Sơn Bá, trình bày ý tưởng chế tác một bộ nhạc cụ ĐCTT bằng dừa. Ông Bá nhớ lại: “Trước giờ tôi chưa từng làm nhạc cụ bằng gỗ dừa vì rất khó. Song, tôi sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, gia đình mấy đời sống được cũng nhờ cây dừa nên khi anh Dân nói về ý tưởng làm bộ nhạc cụ bằng gỗ dừa, tôi đồng ý liền”.

Điều khiến nghệ nhân Sơn Bá đau đầu nhất là gỗ dừa không phải là loại dùng làm nhạc cụ. Âm thanh gỗ dừa không đạt được độ rung nhiều nên tiếng kêu rất nhỏ, cũng không vang. Sau nhiều lần làm thử rồi lại bỏ vì chưa ưng ý, bằng kinh nghiệm nhiều năm chế tạo đàn, ông nhận ra rằng cần phải chọn những cây dừa 70-80 năm tuổi trở lên và chỉ dùng phần thân dưới thì chất lượng gỗ mới đạt.

“Dừa càng già thì sau khi đánh bóng gỗ càng mịn, lên màu đỏ au rất đẹp. Tôi chưa làm đờn bằng loại gỗ nào khó như dừa nên thời gian lâu hơn so với những loại gỗ khác” - ông Bá cho biết. Ông quyết định chế thêm bộ phận lò xo và micro để có âm thanh lớn và ngân dài cho các loại đàn gáo, kìm, sến, bầu... Riêng đàn guitar, ông gắn thêm bộ khuếch tán âm thanh điện tử để nghe “ngọt” hơn.

“Mong muốn của chúng tôi không phải đơn thuần một bộ nhạc cụ mà còn là tạo ra một dàn nhạc có thể hòa tấu được tác phẩm lớn nên với mỗi loại nhạc cụ, chúng tôi đều tạo ra 3 kích cỡ khác nhau. Trong một dàn nhạc thì phải hội tụ cả 2 loại âm sắc cao - trung - trầm mới có thể hòa tấu được” - ông giải thích.

Tại Festival Dừa 2012, sau khi nghe những âm thanh phát ra từ bộ nhạc cụ làm bằng gỗ dừa của đoàn nghệ nhân ĐCTT tỉnh Bến Tre, GS-TS Trần Văn Khê đánh giá rất cao. Bộ nhạc cụ này còn có giá trị tinh thần hết sức to lớn đối với người dân Bến Tre, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Tại Festival ĐCTT lần này, bộ nhạc cụ bằng dừa cũng được các nghệ nhân đến từ Bến Tre dùng làm dàn nhạc chính để biểu diễn.

Cho thỏa đam mê

Hầu hết nghệ nhân ĐCTT đến với festival đều sống bằng nghề không liên quan đến nghệ thuật. Không có thù lao, cát sê nhưng họ vẫn sẵn sàng thu xếp công việc để tham gia cho thỏa đam mê.

Ông Đặng Xuân Phương, Trưởng Đoàn ĐCTT TP Cần Thơ, cho biết: “Đoàn chúng tôi có 14 người, đa số làm nghề tự do, 2 người làm việc cơ quan nhà nước và một cháu học lớp 7. Chúng tôi cố gắng mang đến festival lần này những “viên ngọc” sáng nhất của phong trào ĐCTT Cần Thơ với lứa tuổi trải đều qua 3 thế hệ nhằm khẳng định có sự kế thừa, nghệ thuật ĐCTT là bất diệt”.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là đoàn nghệ thuật ĐCTT Cà Mau cũng mang đến festival một nghệ nhân nhí học lớp 7. Các đoàn khác cũng không thiếu những nghệ nhân tuổi đôi mươi.

Gặp chúng tôi, ông Huỳnh Xường - một nghệ nhân ĐCTT quen thuộc ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu - cho biết dù không góp mặt trong đoàn Bạc Liêu tham gia festival nhưng ông vẫn thu xếp việc đồng áng để đi theo với mục đích gặp gỡ, giao lưu cùng bạn tri âm trong giới ĐCTT cả nước. “Tôi từng đi biểu diễn nhiều nơi nhưng để cùng lúc gặp gỡ, giao lưu với hàng trăm bạn đờn ca khắp nơi như thế này là dịp có một không hai trong đời nên không muốn bỏ lỡ. Hơn nữa, tôi có 2 cháu trong CLB ĐCTT của mình góp mặt trong thành phần đoàn Bạc Liêu. Các cháu còn rất trẻ nhưng đã có hơn 10 năm theo nghiệp đờn ca” - ông hào hứng.

Hai nghệ nhân trẻ mà ông Huỳnh Xường nhắc tới là Lâm Hoàng Long (18 tuổi) và Ngô Thị Huyền (22 tuổi), cùng ở xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long - địa phương có phong trào ĐCTT mạnh nhất Bạc Liêu. Long theo ĐCTT từ khi mới 8 tuổi, hiện sống bằng nghề cắt tóc. Còn Huyền, hiện là giáo viên tiểu học, cho biết nhà trường đã tạo mọi điều kiện để cô được góp mặt trong đoàn ĐCTT Bạc Liêu dự festival kéo dài 6 ngày này.

“Ở quê nhà chỉ hát cho vài người, nhiều nhất là vài chục người thưởng thức nên khi nghe lên đây hát có hàng ngàn người theo dõi trực tiếp và phát sóng trên truyền hình, tôi lo lắm. Tuy nhiên, khi lên sân khấu, mới nghe các chú dạo đờn, bao nhiêu lo lắng bỗng tan biến, tôi chỉ nghĩ tới hát và hát một cách nhiệt tình” - Huyền tâm sự.

Ông Đặng Xuân Phương cũng từng chia sẻ nỗi lo với chúng tôi trước khi đoàn chuẩn bị lên sân khấu biểu diễn cho ban giám khảo chấm điểm: “Tôi lo nhất là Thanh Trúc. Cháu mới 13 tuổi, chưa từng hát trước đám đông như thế này, lại có thêm ban giám khảo theo dõi. Vậy mà điều tôi lo lắng trở nên thừa, cháu hát còn say hơn khi sinh hoạt với các cô chú trong đoàn nữa. Có lẽ cái dòng máu tài tử đã chảy sẵn trong người của bất cứ ai đam mê môn nghệ thuật này, không hề có ranh giới tuổi tác mà chỉ có một niềm đam mê”.

Vừa đờn vừa ca

Nghệ nhân Dương Minh Khương (51 tuổi, ngụ huyện Phước Long), tâm sự đây là lần thứ hai ông cảm thấy hồi hộp, háo hức khi tham gia một sự kiện ĐCTT.

Cách đây 6 năm, ông là 1 trong 5 người đại diện giới nghệ nhân ĐCTT cả nước biểu diễn tại Lễ hội Văn hóa Smithsonian tổ chức ở Mỹ. “Khi đó, tôi là trưởng đoàn, được phân công phụ trách và quán xuyến mọi hoạt động trong chuyến biểu diễn. Đến giờ, tôi vẫn không thể nào quên được lần đầu tiên biểu diễn trên một sân khấu tầm cỡ như thế. Những bản nhạc: Dạ cổ hoài lang, Nhớ quê hương, Hồn thiêng sông núi… khiến bao người Việt Nam tha hương phải chạnh lòng vì nỗi nhớ nhà, nhớ quê luôn canh cánh khôn nguôi. Hôm nào đoàn biểu diễn cũng có hàng chục khán giả Tây đến thưởng thức” - ông Khương nhớ lại.

Trong nghệ thuật ĐCTT, việc vừa đờn vừa ca dường như là không thể đối với nghệ nhân. Tuy nhiên, trong chuyến xuất ngoại hiếm hoi của ĐCTT Nam Bộ ấy, ông Khương đã làm được chuyện không thể đó. “Hôm ấy, một thành viên trong đoàn bận việc riêng không thể lên sân khấu, thiếu người nên tôi đành liều... Khi buổi biểu diễn kết thúc, một nhạc công ngoại quốc đã đến ôm chầm lấy tôi và tặng một CD mà ông thu âm tiết mục vừa rồi” - ông Khương xúc động.

 

Chiếc nôi đờn ca tài tử

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Bạc Liêu là một trong những nơi được xem như chiếc nôi của phong trào ĐCTT Nam Bộ, với các nghệ nhân, nghệ sĩ cổ nhạc: Lý Khị, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Lư Hòa Nghĩa, Năm Nhỏ… và nhất là tác giả bài Dạ cổ hoài lang - cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Người sưu tầm đầy đủ các bản ĐCTT cổ, người viết các bản nhạc ấy theo nhịp 32 đều ở Bạc Liêu nên những đóng góp của địa phương này đối với ĐCTT là rất lớn.

 

Các nghệ nhân Bạc Liêu “cháy” hết mình với đờn ca tài tử
Các nghệ nhân Bạc Liêu “cháy” hết mình với đờn ca tài tử

 

“Đó là lý do quan trọng để Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn Bạc Liêu đăng cai tổ chức Festival ĐCTT toàn quốc lần thứ nhất; thể hiện quyết tâm bảo tồn, phát triển nghệ thuật ĐCTT và phong trào ĐCTT Nam Bộ trong đời sống hiện đại, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc” - bộ trưởng cho biết. Y.Anh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo