xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trứ danh xứ Quảng

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Từ thuở khai lập đến nay, làng Bảo An ở tỉnh Quảng Nam đã cống hiến cho đất nước hàng trăm danh nhân nổi tiếng. Đây cũng là ngôi làng cổ có nghề truyền thống làm đường từ mía trứ danh đã hơn 400 năm

Dù đã được chia thành 2 thôn Bảo An Đông và Bảo An Tây (thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nhưng người nơi đây đi đâu cũng xưng danh là dân làng Bảo An. Đó là tên gọi đã thấm vào máu thịt của những người con sinh ra và lớn lên ở ngôi làng giàu truyền thống này.

img
Những chiếc chảo nấu đường hiếm hoi còn lại ở làng Bảo An

Nghèo khổ cách mấy vẫn đến trường

Theo nhiều tư liệu xưa để lại, từ thế kỷ XV, tổ tiên của 3 gia đình Phan, Nguyễn, Ngô (đều có gốc ở Nghệ An) đã kết bạn và cùng vào khai phá vùng đất phía Bắc sông Thu Bồn rồi lập ra ấp Hòa Đa (nay là xã Điện Phước, huyện Điện Bàn). Sau một thời gian sinh sống, nhận thấy vùng đất bên kia sông màu mỡ, phì nhiêu, tổ tiên 3 họ kéo sang khai phá, lấy tên là Phi Phú, sau này đổi thành làng Bảo An.

Nơi giao thương giữa Hòa Đa và Bảo An là bến sông có tên gọi Bến Đường. Đây là chỗ để người làng Bảo An thông thương với các nơi khác, mua bán và phát triển kinh tế. Đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, làng Bảo An lại được phân chia thành Bảo An Đông và Bảo An Tây, là 2 trong 11 thôn thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn bấy giờ.

img
Đình làng Bảo An

Dưới thời nhà Nguyễn, Bảo An có 27 người đỗ tú tài, 17 cử nhân và 2 phó bảng. Đến thời Pháp thuộc (giai đoạn 1925-1945), Bảo An có đến 50 người đỗ đạt từ thành chung đến tiến sĩ.

Từ năm 1914, ông giáo Phan Đắc Lộ mở lớp dạy học ở đình làng. Do số học sinh mỗi ngày một đông nên chính quyền cho phép mở trường. Đến năm 1928, Trường Tiểu học Bảo An được thành lập. Giai đoạn 1928-1945, Trường Tiểu học Bảo An đã đào tạo hàng trăm học sinh tốt nghiệp cấp tiểu học, hàng ngàn học sinh đỗ sơ đẳng yếu lược và cập yếu lược.

Trường Tiểu học Bảo An ngày nay đã đổi tên thành Trường Tiểu học Phan Thanh. Thầy giáo hiệu trưởng Đỗ Hữu Tào tự hào cho biết trường là cái nôi đào tạo những danh nhân nổi tiếng. Những nhà báo cự phách như Lương Khắc Ninh, Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi; nhà trí thức cách mạng kiệt xuất Phan Thanh, Phan Bôi; nhà toán học GS Hoàng Tụy, GS Ngô Việt Trung; nhà giáo nổi danh như Khương Hữu Dụng, Lê Trí Viễn; nhà ngoại giao Đinh Bá Thi, Thiếu tướng Nguyễn Xáng… đã từ mái trường này ra đi làm rạng danh nước nhà.

“Có lẽ vì kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước mà những thế hệ sau cứ thế noi gương. Ở Bảo An, gia đình luôn coi việc học của con cháu là quan trọng nhất, nghèo khổ cách chi cũng phải đến trường” - thầy Tào khẳng định.

Nhớ nghề đường tinh tế

Người dân Bảo An từ thuở khai lập làng đã nghĩ ra nghề làm đường từ mía để phát triển kinh tế. Dù ngày nay, trong làng không còn ai theo nghề nữa nhưng nhiều người vẫn truyền tụng câu ca dao về cách làm đường của Bảo An: Bảo An có thợ nấu đường/ Vừa vôi, then khéo, chẳng nhường nhịn ai.

Nói đến Bảo An, nhiều người cho rằng đó là nơi chế biến đường ngon nhất xứ Quảng. “Ngày trước, nhiều hộ ở làng lân cận cũng trồng mía làm đường nhưng chưa chỗ nào làm ra đường vừa ngọt vừa thanh như Bảo An. Đường ở đây được những thương lái khó tính nhất chọn mua” - ông Phan Nguyên, ngụ thôn Bảo An Tây, kể.

Theo lời ông Nguyên, nhiều năm trở lại đây, người dân địa phương khác đến Bảo An xin học nghề làm đường. Tuy nhiên, theo lời của nhiều người dân Bảo An, ngoài kỹ thuật làm đường tinh tế ra, đường ở đây phải được làm từ mía trồng trên những dải đất của làng mới cho ra vị ngọt và thanh.

Vào năm 1920, làng Bảo An có 13 lò chế biến đường. Kỹ thuật chế biến đường ở các lò này cũng lắm công phu. Mía được ép ra từ hệ thống răng cưa thủ công dùng sức kéo của trâu. Nước mía được đưa qua chảo nấu cô mãi thành đường non. Khi đường đặc sánh thì được múc chuyển qua một thùng gỗ. Thợ nấu dùng dầm khuấy lên theo một chiều nhất định, đến khi đường đặc lại rồi đổ vào tô. Sau khi phơi khô, người thợ làm đường chỉ việc úp tô lại để cho ra một tán đường.

Đối với người dân xứ Quảng hay các vùng lân cận, ai cũng chuộng món đường này bởi dễ chế biến, dùng để nấu chè, làm kẹo đậu phộng hay để uống với nước lá chè khô… Sau này, người làng Bảo An còn nghĩ ra cách làm đường cát trắng để mang xuống bến sông chở về Hội An bán.

Nhờ vào nghề làm đường mà cuộc sống của dân làng khá sung túc. Dần dà, đường công nghiệp lấn át nên nghề làm đường truyền thống ở đây lụi tàn dần. Tuy nhiên, nhiều người cao tuổi cùng các thợ làm đường lâu năm vẫn còn giữ được bí quyết làm đường ngon ngọt và thanh bậc nhất xứ Quảng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-9

Trọng lễ nghĩa, truyền thống

Ông Phan Tín, Bí thư Chi bộ thôn Bảo An Đông, cho biết người làng Bảo An đặc biệt chú trọng lễ nghĩa, truyền thống, nhất là truyền thống hiếu học. Mỗi dòng tộc đều thành lập một ban khuyến học để theo dõi tình hình học tập của con cháu trong họ. Ban khuyến học còn lập quỹ, kêu gọi các thành viên trong họ đóng góp tiền bạc để hỗ trợ con cháu học hành.

Theo ông Tín, mỗi năm, các dòng tộc đều dành ra một số tiền để thưởng cho học sinh thi đỗ ĐH, CĐ. Với những học sinh nghèo, không có tiền đi học, quỹ khuyến học của tộc sẽ có nghĩa vụ hỗ trợ đến khi ra trường.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo