xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung thực, cống hiến

HỒNG VÂN

Với tiếng nói trung thực và dũng cảm, được thể hiện bởi đội ngũ làm báo luôn biết dấn thân, Báo Người Lao Động nhờ đó được bạn đọc tin tưởng, đồng hành

“Khi bị đẩy vào bước đường cùng, tôi đã muốn bỏ cuộc, thậm chí có lúc còn nghĩ quẫn. May mà lúc ấy các anh chị em phóng viên của báo đã kề cận, động viên an ủi, hướng dẫn thủ tục để tôi khởi kiện ra tòa. Tòa tuyên buộc doanh nghiệp phải hủy các quyết định trái pháp luật”. Chị Nguyễn Thị Kim Anh, nguyên kế toán trưởng một ngân hàng có chi nhánh ở TP HCM, không giấu được xúc động khi nhớ lại những ngày chị bị trù dập, thuyên chuyển công tác rồi sa thải hơn 10 năm trước.

Luôn hướng đến lẽ công bằng

Chị Kim Anh chỉ là một trong số hàng ngàn người lao động đã tìm đến Báo Người Lao Động khi quyền lợi bị xâm phạm. Còn nhớ, năm 2003, anh Trương Ngọc Thảo, nguyên quyền trưởng phòng nhân sự Công ty Liên doanh Ven sông Sài Gòn và hàng chục nhân viên đội cảnh quan của công ty bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Nhờ sự can thiệp của báo, họ đã thắng kiện, công ty phải bồi thường hơn 100.000 USD. Anh Thảo nói: “Khi gửi đơn cầu cứu đến báo, tôi không hình dung hết những gì mà báo đã làm cho tôi - từ việc chỉ ra các sai phạm của công ty, hướng dẫn thủ tục khởi kiện, tìm chứng cứ... Sau này, mỗi khi bạn bè của tôi bị ức hiếp, tôi lại bảo họ đến Báo Người Lao Động”.

Một buổi họp Hội đồng Biên tập chiều thứ sáu hằng tuần của Báo Người Lao ĐộngẢnh: HOÀNG TRIỀU
Một buổi họp Hội đồng Biên tập chiều thứ sáu hằng tuần của Báo Người Lao ĐộngẢnh: HOÀNG TRIỀU

Đáng quý là cả anh Thảo và chị Kim Anh sau khi thắng kiện đều trở thành những “chuyên gia” trong lĩnh vực pháp luật lao động. Họ đã giúp rất nhiều người lao động đòi lại được quyền lợi và xem đó như là một cách trả ơn cho những điều mình đã nhận được từ sự giúp đỡ chí tình của báo.

Một sự việc đáng nhớ khác là vụ tranh chấp lao động giữa anh L.H.T.V với Công ty CP L.H (tỉnh Long An) trong năm 2014. Sau các bài viết của Báo Người Lao Động chỉ rõ các sai phạm nhưng lãnh đạo công ty vẫn phớt lờ, người lao động đã kiện ra tòa. Kết quả, công ty thua kiện, phải bồi thường cho người lao động hơn 1,5 tỉ đồng. Anh L.H.T.V cho biết thắng lợi ấy là điều mà khi viết đơn khiếu nại gửi đến báo, anh không dám nghĩ đến.

Nơi được trao gửi niềm tin

“Người Lao Động là tờ báo đầu tiên tôi mở ra khi đến văn phòng công ty. Tôi xem để biết công ty mình có bị nhắc nhở, có bị khiếu nại gì không? Sau đó, tôi đọc các bài viết, các mẩu tư vấn pháp luật lao động để học hỏi kinh nghiệm của nơi khác nhằm thực hiện tốt hơn cho doanh nghiệp của mình” - ông Hồ Tiến Hùng, giám đốc nhân sự một doanh nghiệp tại KCX Linh Trung 1, TP HCM, cho biết. Hơn 10 năm nay, ban giám đốc công ty đã đề nghị Công đoàn cắt các bài báo, những câu tư vấn, trả lời trong mục “Đối thoại” dán lên bản tin của công ty làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục.

Trong một lần liên hệ để giải quyết thắc mắc của người lao động, khi nghe chúng tôi nói mỗi tháng nhận được hằng trăm đơn thư, hàng ngàn câu hỏi, email, comment thắc mắc về lĩnh vực lao động - việc làm, bà Trần Thị Anh Huy, Giám đốc Công ty Vân Anh (quận 3, TP HCM), cho rằng điều đó nói lên sự tin cậy của người lao động dành cho tờ báo của tổ chức Công đoàn TP HCM. “Ở công ty tôi, có nhiều vấn đề người lao động thắc mắc nhưng không hỏi nhân sự hay Công đoàn mà gửi thẳng lên báo. Xem ra họ tin các bạn hơn tin chúng tôi. Đó chính là thế mạnh của báo” - bà Huy nhìn nhận và nhắc lại chính bà cũng có lần phải ngạc nhiên và thán phục sau khi đọc bài viết “Trường Luật phạm luật” trên Báo Người Lao Động. Bà cho rằng đó là một bài viết mà những người dạy luật phải “tâm phục, khẩu phục”.

Đóng góp lớn trong xây dựng luật

40 năm, có rất nhiều điều để nói về sự trưởng thành của một tờ báo nhưng ở đây, chúng tôi chỉ muốn nêu lên một khía cạnh được xem là “thuộc tính” của Báo Người Lao Động. Đó là việc thể hiện vai trò, chức năng của tổ chức mà tờ báo là cơ quan ngôn luận.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá: “Từ khi Bộ Luật Lao động ra đời (năm 1995), Báo Người Lao Động đã kịp thời phản ánh những bất cập trong việc thực thi, làm cơ sở để các cấp Công đoàn tham gia ý kiến sửa đổi luật. Đơn cử như việc khôi phục chính sách nghỉ dưỡng sức, sửa chương XIV Bộ Luật Lao động về đình công; thay đổi các quy định về hợp đồng lao động, BHXH, tiền lương tối thiểu; về việc áp dụng linh động điều 60 Luật BHXH mới đây... đều có dấu ấn của Báo Người Lao Động. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với vấn đề mà báo nêu cách đây 3 năm trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao Động, đó là loạt bài “Lập ban đại diện để làm gì?”. Các bài viết ấy thật sự là vũ khí sắc bén, chứng tỏ bản lĩnh của người làm báo Công đoàn”.

Cơ quan tham mưu xuất sắc

Không chỉ phản ánh thực tiễn phong trào CNVC-LĐ và hoạt động Công đoàn, Báo Người Lao Động còn là “cơ quan tham mưu xuất sắc” như nhận xét của ông Nguyễn Huy Cận, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP HCM. Có nhận xét như vậy là vì nhiều chương trình hiện nay của các cấp Công đoàn TP chính là bắt nguồn từ các hoạt động của báo như “Cùng công nhân vượt khó”, “Tấm vé nghĩa tình”, “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Chăm lo Tết cho công nhân nghèo”...

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo