Hơn nửa tháng sau khi 5 học sinh ở xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk tử nạn sau khi tắm sông và chơi đùa trong hố cát, bà Trần Thị Bằng, chủ khu đất mà các em dựng chòi ở trọ, vẫn chưa hết bàng hoàng. Trò chuyện với chúng tôi, bà không cầm được nước mắt khi nhắc lại những vất vả, cực nhọc mà 5 cậu học trò nghèo phải trải qua trong những năm tháng trọ học.
Nguy hiểm rình rập
Bà Bằng cho biết thấy hoàn cảnh cha mẹ của 5 học sinh nghèo khó, bà cho mượn miếng đất trống sau nhà để họ dựng chòi cho các em trọ học. Hằng tháng, mỗi em chỉ phải đóng cho bà 50.000 đồng tiền điện nước. “Chiều hôm đó (ngày 12-3, hôm xảy ra tai nạn - PV) không thấy chúng về, tôi cứ tưởng bọn trẻ đi đâu đó. Chúng đi vắng vài ngày vào rừng bắt ong về bán hay mò cua bắt ốc về làm thức ăn là chuyện thường nên đâu có ai để ý. Mấy bữa trước, thằng Bình (1 trong 5 em tử nạn - PV) còn chạy qua nói “bà còn cơm không cho cháu xin 1 chén”, vậy mà giờ nó đã đi mãi…” - bà Bằng nghẹn ngào.
Thầy Dương Kim Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (nơi có 3 trong số 5 học sinh tử nạn), cho hay: Biết cuộc sống các em vô cùng cơ cực nhưng nhà trường gần như bất lực. Trước đây, khi các em đến ở trọ, địa phương có làm tạm trú tạm vắng nên rất dễ quản lý. Vài năm trở lại đây, việc này bị bỏ ngỏ, vì vậy, hiện nhà trường vẫn không biết chính xác có bao nhiêu học sinh đang trọ học bên ngoài. Tương tự, thầy Nguyễn Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Đrăm (nơi có 2 em học sinh tử nạn), cũng cho rằng không thể thống kê được số học sinh đang trọ học.
Đi học xa nhà, thiếu sự quan tâm, quản lý của gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương, ở cái tuổi ăn chưa no, co chưa ấm, thiếu kỹ năng sống, các em rất dễ gặp bất trắc như bị tai nạn, bị lợi dụng hoặc dễ sa ngã.
Dù vậy, theo cô Lê Thị Kim Lan, Hiệu phó Trường THPT Lê Lợi (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), việc quản lý đối với học sinh xa nhà trọ học là hết sức khó khăn. “Lâu nay việc này giao cho giáo viên chủ nhiệm và đoàn trường nhưng cũng chỉ biết các em ở khu nhà trọ nào vậy thôi chứ không thể hiểu cuộc sống ở trọ của các em ra sao” - cô Lan giãi bày.
Ông Trương Ngọc Cương, một chủ nhà trọ 5 phòng ở thị trấn La Hai, cho rằng không thể quản lý đối với học sinh ở trọ nhà ông. “Làm sao mình biết giờ giấc học của các cháu mà quản lý. Không khéo các cháu cho rằng mình khó tính, chúng bỏ đi hết” - ông Cương nói.
Giá mà có nhà nội trú...!
Đó là lời cảm thán đầy chua xót của ông Trần Quốc - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk - sau vụ 5 học sinh trọ học ở xã Cư Đrăm tử nạn dưới hố cát. “Nếu có nhà nội trú chắc các em không phải ra sông để tắm, không phải đi bắt cá mò cua… thì đã không có việc đáng tiếc xảy ra” - ông Quốc ngậm ngùi. Theo ông Quốc, huyện cũng đã nhiều lần đề nghị với các cấp về việc xây nhà nội trú cho học sinh nhưng do kinh phí tỉnh hạn hẹp nên vẫn không thể giải quyết được.
Nhà nội trú cũng là mục tiêu hướng tới của ngành GD-ĐT tỉnh Phú Yên. Theo ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này, hiện địa phươngvừa hoàn thành 1 Trường Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân dành cho học sinh xa nhà. Khu nội trú gồm 15 phòng ở và 1 phòng sinh hoạt, có sức chứa 90 người.
Ngoài ra, để giúp đỡ học sinh nghèo phải xa nhà trọ học, tỉnh cũng đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Cụ thể, Sở GD - ĐT tỉnh Phú Yên đang trình UBND tỉnh danh sách 766 học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tiền ăn ở trên 500.000 đồng/em/tháng. Tỉnh này cũng đang bắt đầu hỗ trợ gạo cho 818 học sinh dân tộc thiểu số, nghèo, đặc biệt khó khăn với mức 15 kg/tháng. Riêng huyện Đồng Xuân còn trích ngân sách huyện để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn với mức từ 60.000-140.000 đồng/tháng/học sinh nhằm khuyến khích các em đến trường.
Ở nội trú cũng khó quản
Ở tỉnh Quảng Nam có 7 trường dân tộc nội trú cấp huyện, 1 trường cấp tỉnh. Hầu hết các trường này đều ở vùng cao, học sinh đa phần là người dân tộc ít người. Thầy Nguyễn Đức Yên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Trà Tập (huyện Nam Trà My), cho biết toàn trường có 179 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, tất cả đều là người dân tộc Ca dong. Cơ sở vật chất trong trường thiếu thốn, trong khi nhà trường không có lực lượng để bảo vệ, giám sát các em nên việc gặp rủi ro là điều rất khó tránh khỏi.
Cách đây chưa lâu, khoảng cuối tháng 2, 8 học sinh của trường trốn ra sông Tranh ở gần đó để tắm. Trong lúc nô đùa, 4 em bị đuối nước nhưng chỉ 2 em được cứu sống.
Theo thầy Huỳnh Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tây Giang, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau cũng khiến việc quản lý, áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với học sinh nội trú gặp nhiều khó khăn. Mới đây, tại trường xảy ra việc 1 học sinh lớp 7 bị thầy giáo đánh bầm chân, phải nhập viện. Ngọn nguồn là do em cùng 2 bạn khác làm ồn trong giờ ngủ và bị thầy Trần Quốc Tuấn, hiệu phó của trường, dùng roi mây đánh vào chân. Bức xúc, gia đình đã yêu cầu công an vào cuộc làm rõ. Sau vụ việc, nhà trường cũng đã họp để rút kinh nghiệm. “Việc giáo dục, răn đe các em cũng chỉ mong sao cho các em nên người. Tuy nhiên, sự việc thầy Tuấn đã quá nặng tay là điều hết sức đáng tiếc” - thầy Hưng nói. Tr.Thường
Bình luận (0)