xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Truy tài sản "khủng": Sao lại khó?

Luật gia Trần Đình Thu

Phương pháp xác minh nguồn gốc tài sản thế nào là nghiệp vụ của cơ quan có trách nhiệm, không nhất thiết cần hướng dẫn cụ thể

Trước tình hình dư luận bức xúc khi có nhiều cán bộ giải trình nguồn gốc tài sản "khủng" của mình đến từ những nguồn thu nhập rất "trời ơi" như chạy xe ôm, nuôi gà, bán chổi đót…, vấn đề đặt ra là liệu có thể dựa vào Luật Phòng chống tham nhũng để làm rõ hay không?

Có thể dễ dàng kiểm chứng

Luật Phòng chống tham nhũng quy định rõ về việc kê khai tài sản (điều 44) và quy định về việc xác minh tài sản khi kê khai (điều 47). Điều 47 quy định 3 trường hợp cần xác minh việc kê khai tài sản bao gồm: Khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai; khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản; khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý.

Như vậy, về nguyên tắc, chúng ta có thể xác minh tài sản trong nhiều trường hợp khác nhau, đặc biệt trong trường hợp khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.

Truy tài sản khủng: Sao lại khó? - Ảnh 1.

Một góc biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái Ảnh: VĂN DUẨN

Ví dụ, thấy một quan chức có tài sản thuộc diện phải kê khai nhưng khối tài sản quá lớn, không phù hợp với thu nhập của người đó, thì có thể tiến hành xác minh.

Luật cho phép xác minh thì các cơ quan có trách nhiệm phải xác minh. Còn phương pháp xác minh như thế nào thì đó là vấn đề nghiệp vụ của cơ quan có trách nhiệm, không nhất thiết phải có hướng dẫn cụ thể. Miễn sao cuối cùng có kết luận việc kê khai nguồn gốc tài sản minh bạch hay không là được.

Thật ra, phương pháp xác minh không có gì là quá khó. Trước hết, trong bản giải trình phải yêu cầu người giải trình kê khai rõ các nguồn thu nhập được hình thành thế nào. Việc này hoàn toàn phù hợp với luật, không cần có quy định thêm làm gì. Ví dụ, một người khai là nuôi gà thì phải kê khai gà nuôi lúc nào, quy mô chuồng trại ra sao, bán ở đâu, hóa đơn chứng từ thế nào. Đặc biệt, với thu nhập như vậy thì việc đóng thuế ra sao, cần nộp chứng từ đóng thuế thu nhập. Nếu khai nuôi gà với thu nhập rất cao, đủ để xây biệt thự mà không đóng thuế thu nhập cá nhân thì rõ ràng là trốn thuế, phải xử lý tội trốn thuế. Tội này có thể bị tù đến 7 năm, đồng thời truy thu số tiền trốn thuế gấp 3 lần. Như vậy, né được việc chứng minh nguồn gốc tài sản thì sẽ dính vào tội trốn thuế. Hoặc một người khai là chạy xe ôm thì phải chứng minh chạy từ lúc nào, thu nhập thế nào, hợp lý hay không? Nếu không hợp lý thì kết luận là nguồn gốc bất minh.

Nói chung, khi tất cả các nguồn thu nhập được kê khai thì đều có thể dễ dàng kiểm chứng để xác minh tính minh bạch.

Chỉ xử lý được hành vi

Ở trên là nói chuyện đấu lý với nhau, còn thực tế thì một người không thể khai gian dối nếu chúng ta có quyết tâm chống tham nhũng một cách mạnh mẽ. Cơ quan xử lý có thể dễ dàng kết luận việc kê khai tài sản của một người là không minh bạch.

Điều 52 của Luật Phòng chống tham nhũng quy định rõ việc xử lý người kê khai tài sản không trung thực, cụ thể là kỷ luật theo quy định của pháp luật, xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà kê khai tài sản không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến.

Rõ ràng là luật đủ để chế tài trong trường hợp khai nuôi gà, nuôi heo, chạy xe ôm, vay ngân hàng… để tạo dựng khối tài sản "khủng".

Cũng cần lưu ý là khi kết luận một người kê khai tài sản không minh bạch thì chúng ta chỉ xử lý được hành vi không minh bạch của họ chứ không quy kết họ có hành vi tham nhũng được. Đây là một điểm yếu của Luật Phòng chống tham nhũng của chúng ta.

Singapore cho phép kết luận ngay

Ở Singapore, để tạo điều kiện cho việc phòng chống tham nhũng được đơn giản, luật của họ cho phép kết luận ngay một người là tham nhũng nếu khối tài sản họ đang có không tương xứng với thu nhập của họ và họ không chứng minh được nó đến từ các nguồn khác, chứ không cần phải phát hiện ra các vụ tham nhũng mới kết luận là tham nhũng.

Luật gia TRẦN THANH GIANG, Hội Luật gia tỉnh Bạc Liêu:

Không biết, không nghe thì chẳng ích gì!

Chính phủ từng báo cáo trước Quốc hội có hơn 1 triệu người kê khai tài sản nhưng không phát hiện người vi phạm cho dù đã xác minh tới 400 trường hợp. Điều này cho thấy việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức của chúng ta đang có vấn đề hình thức, chưa đi vào mục tiêu chính. Trước thực trạng đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã vào cuộc giám sát kê khai tài sản để khắc phục lỗ hổng nhưng cũng chưa giải quyết được vấn đề một cách rốt ráo.

Có người nói Luật Phòng chống tham nhũng của ta thiếu thực tế, không thực hiện được vì điều quan trọng nhất để chống tham nhũng là phải kiểm soát được tài sản nhưng chúng ta chỉ mới kê khai chứ chưa kiểm soát được. Chẳng hạn, việc ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho rằng những sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, xảy ra từ những năm 2008 nhưng không hay biết gì, chỉ tới khi có tố cáo mới biết. Ông Cường còn né tránh trách nhiệm khi cho rằng bà Thanh là cán bộ thuộc Ban Bí thư quản lý nên khi có tố cáo thì Ban Bí thư chuyển Ủy ban Kiểm tra trung ương xử lý, chờ trung ương chỉ đạo. Như vậy, việc kiểm tra, giám sát tài sản kê khai chỉ có kết quả khi cộng đồng dân cư phát hiện tố cáo. Vấn đề là khi nhận được đơn tố cáo, các cơ quan chức năng có "làm ra ngô ra khoai" như vụ bà Phan Thị Mỹ Thanh hay không? Chứ cứ không biết, không nghe, đang chờ chỉ đạo thì kê khai tài sản chẳng ích gì!

Ông TRẦN KIÊN TRUNG, cán bộ hưu trí tại quận Thủ Đức, TP HCM:

Khó cũng phải truy tận gốc

Với những vụ biệt phủ "khủng" như của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, câu hỏi lớn đầu tiên mà dư luận có quyền đặt ra là "tiền ở đâu?". Tuy nhiên, phải thấy là chỉ có kết luận thanh tra nguồn gốc tài sản do cơ quan chức năng thực hiện mới thỏa mãn thắc mắc của dư luận. Lời giải thích của người trong cuộc thì không thể thật sự thuyết phục và lấy lòng tin của dư luận.

Khối tài sản khổng lồ của những người như ông Quý không phải một sớm một chiều mà có, dù nhiều người vẫn lăn lộn, vẫn tài giỏi như họ. Cho nên, "tinh thần vượt khó và kinh nghiệm trường đời" của họ không thể làm dư luận "thông" khi giải thích về nguồn gốc tài sản. Vì thế, khó cũng phải truy tận gốc. Có truy tận gốc thì dân mới tin.

D.Nhân - S.Nhân ghi

Việc cần làm ngay là phải bít lỗ hổng

Câu chuyện quan chức sống xa hoa trong dinh thự, biệt phủ không còn xa lạ ở nước ta. Có thể điểm qua vài vụ làm "dậy sóng" dư luận như biệt thự khủng của Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk xây trái phép trên đất nông nghiệp, biệt thự của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái và một loạt biệt thự của cán bộ chủ chốt ở Lào Cai…

Không ai cấm "công bộc của dân" không được sở hữu tài sản "khủng". Không ai cấm công chức không được ở nhà đẹp, xài hàng hiệu nhưng giới hạn giữa một vị "đầy tớ của nhân dân" liêm khiết và một ông "quan tham" gần trong gang tấc.

Hình ảnh "công bộc của dân" vô tình đang bị một vài cá nhân làm hoen ố và niềm tin của nhân dân vào phẩm chất, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên phần nào bị lung lay!

Qua những vụ như thế, một lần nữa chúng ta thấy lỗ hổng lớn trong công tác kê khai, minh bạch tài sản cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao. Việc hai cán bộ lãnh đạo bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng thời gian gần đây ít nhiều cũng liên quan đến khối tài sản hoặc nguồn lợi mà họ có được. Qua đó dư luận cũng đặt vấn đề về quá trình kê khai tài sản của các vị này.Rõ ràng là những quy định kê khai tài sản trên tinh thần tự nguyện cùng sự thiếu chặt chẽ trong cơ chế kiểm tra, giám sát tính trung thực của bản kê khai cũng như việc xử lý sai phạm chưa dứt điểm, thiếu tính răn đe đã tạo tiền lệ xấu cho nhiều cán bộ thản nhiên "kê" và "khai" qua loa, chiếu lệ.

Việc cần làm bây giờ chính là bít những lỗ hổng trong chủ trương kê khai, minh bạch tài sản cán bộ, công chức bằng những quy định và chế tài chặt chẽ, nghiêm minh. Có như thế thì công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và nhà nước mới thành công và niềm tin trong nhân dân về một hệ thống chính quyền trong sáng, vững mạnh mới được củng cố.

Mai Lê

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo