Ngày 3-7, tại Hà Nội và TP HCM đã diễn ra 2 sự kiện lớn về kinh tế. Đó là hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức và Diễn đàn kinh doanh năm 2014 do Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức với chủ đề “Việt Nam - Cơ hội mới”.
Cạnh tranh bằng sự khác biệt, hàm lượng chất xám cao
Tại hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau”, chuyên gia kinh tế cao cấp - TS Lê Đăng Doanh cho rằng trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Việt Nam quá sơ hở nên rơi vào thế phụ thuộc. Biểu hiện là trao 23/24 nhà máy xi măng, 15/20 nhà máy nhiệt điện cho nhà thầu Trung Quốc theo phương thức tổng thầu cùng nhiều dự án giao thông, khai khoáng, đất rừng.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam, cho biết ông “đau xót khi thấy thị trường cơ khí lọt vào tay Trung Quốc” do cơ chế đấu thầu giá thấp. Nếu Trung Quốc tham gia đấu thầu, không nhà đầu tư nước ngoài nào có ý định dự thầu để khỏi mất thì giờ.
Ông Thụ dẫn chứng DN cơ khí Việt Nam được chia việc không đáng kể trong các dự án Trung Quốc làm tổng thầu. Tại nhà máy Alumin Lâm Đồng, DN Việt Nam chỉ được giao chưa đến 8 triệu USD trong gói thầu 466 triệu USD. Nhà máy Alumin Nhân Cơ giá trị hợp đồng 499 triệu USD nhưng thầu phụ Việt Nam chỉ được giao 2,5 triệu USD.
Các dự án do Trung Quốc làm thường chậm tiến độ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế...
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương - TS Võ Trí Thành, Trung Quốc hiện là một quốc gia đang trỗi dậy, là thị trường lớn và hấp dẫn đến mức “không thể không chơi”.
Nước này đang trong giai đoạn “trỗi dậy không hòa bình”, gây hấn với Việt Nam ở biển Đông và bắt đầu gây hấn trong thương mại. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không thể gây hấn ở quy mô, cường độ ồ ạt vì trong quan hệ thương mại với Việt Nam, Trung Quốc có lợi ích không nhỏ...
Để tự chủ kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam phải tối đa hóa độc lập, chủ quyền nhưng đồng thời cũng phải tối đa hóa sự phát triển. Đấu tranh cả về pháp lý nhưng cũng cần linh hoạt chuyển hướng trên thị trường quốc tế, chủ động tìm nguồn cung, thị trường xuất khẩu mới và đẩy nhanh ký kết các hiệp định thương mại quốc tế.
Theo TS Lê Đăng Doanh, muốn tự chủ kinh tế trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam buộc phải mạnh lên, cạnh tranh bằng các sản phẩm khác biệt sử dụng công nghệ cao. Để minh họa, ông Doanh lấy ví dụ một công ty Nhật Bản chỉ có 60 nhân công làm linh kiện bán cho Airbus và Boeing khiến các hãng này phải phụ thuộc.
Ngoài ra, cũng cần giải quyết ngay vấn đề buôn lậu vì chênh lệch trong báo cáo thương mại của 2 nước lên đến hơn 5 tỉ USD. Năm 2012, Việt Nam thống kê nhập khẩu từ Trung Quốc 28,8 tỉ USD nhưng phía Trung Quốc lại thống kê là 34 tỉ USD. Về xuất khẩu, Việt Nam thống kê xuất sang Trung Quốc 12,8 tỉ USD nhưng Trung Quốc thống kê 16,2 tỉ USD...
Chủ động hơn trong hội nhập
Phát biểu tại diễn đàn “Việt Nam - Cơ hội mới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được kiểm soát ở mức dưới 5%, cán cân thanh toán thặng dư giúp dự trữ ngoại hối đạt trên 12 tuần, tăng trưởng GDP khoảng 5,8% và nợ xấu đang từng bước được giải quyết.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư nước ngoài về sự chủ động của Việt Nam trước các hiệp định thương mại tự do đang đàm phán, Phó Thủ tướng nhận xét: Trong quá trình toàn cầu hóa, Việt Nam không có tham vọng trở thành trung tâm nhưng cũng không muốn đứng ngoài cuộc mà sẽ chủ động hơn trong hội nhập.
Khoảng 15 năm trước, khi bàn về việc gia nhập ASEAN và sau đó là WTO, có nhiều ý kiến lo ngại nhưng thực tế hoàn toàn khác. Vừa qua, khi Việt Nam đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng nhiều ý kiến nói nền kinh tế Việt Nam còn thấp sao lại chủ động tham gia sân chơi này?
“Không có cách nào khác, Việt Nam phải bước vào, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; hy vọng nguồn vốn, công nghệ sẽ cùng các nhà đầu tư nước ngoài vào trong nước. Việt Nam buộc phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để tăng trưởng từ mức 5%-6% hiện nay lên 8%-9% trong thời gian tới. Chỉ bằng cách đó mới không tụt hậu so với các nước” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Trước việc gây hấn của Trung Quốc, theo Phó Thủ tướng, việc tăng trưởng kinh tế còn mang ý nghĩa: Khi tiềm lực kinh tế mạnh hơn sẽ bảo vệ chủ quyền thuận lợi hơn. Lúc này, các DN Việt Nam nên coi thách thức này là động lực thôi thúc để phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Nhiều DN bày tỏ băn khoăn về môi trường kinh doanh vẫn chưa thật sự tốt để DN hoạt động hiệu quả, các thủ tục hành chính khiến DN mất quá nhiều thời gian. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ về những điểm nghẽn và coi việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những mục tiêu hàng đầu...
Bình luận (0)