Cuộc chiến cây xanh đô thị leo thang đến đỉnh điểm khi mấy ngày qua, câu chuyện về việc chính quyền TP Hà Nội cho chặt hạ và thay thế 6.700 cây trên các tuyến phố bùng lên như một thảm họa truyền thông của nhà chức trách, dẫn đến UBND TP Hà Nội phải mở cuộc họp báo chiều 20-3 mà ông phó chủ tịch không trả lời trực tiếp câu hỏi nào trong số 21 câu hỏi của báo chí. Vấn đề có vẻ đơn giản là đại chúng tức giận bởi phát ngôn của các lãnh đạo TP xem thường ý dân (“chặt cây thì không cần phải hỏi dân”) cũng như bất nhất (“đề án thay thế cây là chủ trương đúng” và “không hề có chiến dịch chặt 6.700 cây”), cho đến giờ là “tạm dừng để chấn chỉnh, rà soát”.
Không chấp nhận tư duy tùy tiện, chắp vá
Không phải đến bây giờ, việc chặt và thay thế cây mới diễn ra. Từ năm ngoái, việc chặt cả loạt cây bóng mát trên phố Nguyễn Trãi kéo dài nhiều cây số để nhường chỗ cho đường sắt trên cao dù sao cũng đã được chấp nhận như một sự đã rồi, có lẽ vì đấy là con đường ở xa trung tâm. Nhưng động đến những đường phố điển hình cho vẻ đẹp một Hà Nội cũ thì chuyện đã thành lớn. Bởi vì đơn giản không chỉ là chuyện chặt 170 cây trên phố Lý Thường Kiệt, 112 cây trên phố Huế hay 72 trên phố Trần Hưng Đạo, những con phố từng được người Pháp quy hoạch như những trục cảnh quan chính của thủ đô mà dường như có một sự sang chấn tinh thần tích tụ lại trước một di sản Hà Nội cũ đã bị biến dạng quá nhiều. Chẳng phải đợi đến khi cây bị hạ thì người Hà Nội mới nhận ra giá trị cảnh quan kiến trúc của thành phố mình đã bị xuống cấp. Những ngôi biệt thự bị phá, những ngôi nhà ống xây xen kẹt trên những mảnh vườn của các biệt thự hơn nửa thế kỷ trước, tiếc rằng không có phong trào rầm rộ nào như phong trào phản đối chặt 6.700 cây lần này.
Điều này có lý do.
Sau nhiều thập niên không bom đạn, Hà Nội đã không thể giữ lại được di sản cảnh quan đô thị trước sức ép của bùng nổ kinh tế nhưng cái lớn hơn nữa là một tư duy tùy tiện, chắp vá, không xác định được hệ thống tài nguyên di sản đô thị. Những ngôi biệt thự thời Pháp không còn dành cho một gia đình mà vài ba hộ với 70-80 người ở chen chúc, những ngôi nhà đặc trưng của phố cổ cũng không còn dành cho hộ buôn bán kiểu “phố Hàng” mà thành những khu tập thể quá tải về điều kiện vệ sinh. Những công trình kiến trúc đẹp không được nhìn nhận rằng chúng thuộc về một di sản không có khả năng tái tạo, tất cả chỉ tính đơn giá theo mét vuông. Và những cây xanh chỉ được đối xử như những thứ có giá trị lấy gỗ hoặc bóng mát đơn thuần. Tất cả những sai lầm trong ứng xử với di sản kiến trúc đô thị đã được hệ thống cây xanh tuyệt vời che phủ nhiều năm, để rồi người Hà Nội vẫn cứ ngỡ rằng thủ đô mình vĩnh viễn “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau”. Những mùa hoa đẹp cứ nối tiếp nhau làm chúng ta quên mất bộ mặt thủ đô đã biến dạng đến mức phải có một cuộc đại phẫu thuật thay vì cố gắng “cắt tỉa” hằng năm.
Chính sự đại phẫu bứng đi tấm áo xanh tuyệt vời kia để lộ ra cái cơ thể rệu rã nham nhở của bộ mặt kiến trúc đô thị đã làm người Hà Nội sốc. Không hẳn vì việc cây xanh bị đốn thuộc về “của chung”, được xem như không xâm hại quyền lợi của cá nhân nào mà họ đột nhiên quan tâm cuồng nhiệt đến số phận thành phố mình. Họ đã thấy mối liên quan mật thiết của các thành tố môi trường sống. Chính sự trưởng thành của ý niệm đô thị văn minh trong quần chúng đã làm nên điều lạ đó.
Phản ứng của đại chúng là hợp lý
Ở phía nhà quản lý, rõ ràng truyền thông của họ đã không đến tai người dân và nếu có thì cũng không làm sao khiến quần chúng tin rằng sự thay đổi là hợp lý. Bằng chứng là nhiều cây bị chặt hạ vẫn còn xanh tươi tỏa bóng mát ngoài đời và trong cả tâm trí người dân, trong khi còn rất nhiều những con đường vắng bóng cây chưa được ngó ngàng đến. Phải chăng là thay thế cây ở phố lớn, chặt hạ những cây to thì có nhiều thứ hấp dẫn hơn là trồng ở những phố tầm thường?
Ngay cả việc cây bị sâu bệnh hoặc dễ bị đổ do mưa bão, lý do thay thế cũng tù mù như khả năng chịu được thời tiết Hà Nội tốt hơn của các cây mới. Xét cho cùng, các cây thay thế cũng là cây bản địa đã được nghiên cứu về sinh học như những cây cũ. Vậy tại sao phải mất ngần ấy năm mới thấy những cây như vàng tâm là tốt hơn sấu, phượng, những cây rất quen thuộc cả thế kỷ qua ở Hà Nội? Cả một đoạn phố Trần Hưng Đạo, Trần Phú hay Phan Đình Phùng tuyền cây sấu vẫn nguyên vẹn qua thế kỷ, hay phố Hoàng Diệu với cả trăm cây xà cừ to lớn đứng vững chãi, cho dù chính loại cây này đổ nhiều ở các phố khác trong mỗi mùa mưa bão. Tất cả là do sự yếu kém của quy hoạch, cả về phần ngầm lẫn nổi, ở những tuyến phố chật chội, chiều cao nhà cửa lấn chiếm mất không gian của tán cây và móng nhà chiếm khoảng đất sống của rễ cây.
Cũng không phải lần đầu tiên các không gian công cộng bị can thiệp gặp sự phản ứng của đại chúng nhưng cây xanh dường như là một thành tố nhạy cảm của đô thị khi người ta ngày càng nhận ra cái giá đắt của đô thị hóa thiếu quy hoạch. Tình trạng mập mờ thông tin quy hoạch đã nuôi sự bất an của người dân, cho đến lúc thứ lộ ra rõ mồn một là những hàng cây ngã xuống, đã khiến họ không chấp nhận được việc mình chỉ là người thụ hưởng thứ cấp - mà trên thực tế cũng rất dễ là nạn nhân của lối quy hoạch từ trên xuống. Nếu trước đây, người Hà Nội chỉ biết so sánh thành phố mình với những đô thị vệ tinh hoặc cùng lắm là Sài Gòn thì giờ đây, họ có cả thế giới thông tin để tham khảo. Nhưng liệu từ “bài học cây xanh” này, có thể có những câu chuyện nào về 6.700 ngôi nhà cần bảo tồn hay 6.700 điểm úng ngập cần xóa bỏ? Đã đến lúc minh họa cho các đường phố không chỉ là những đường ngang dọc mà còn có số phận của cây xanh lâu đời, của công trình kiến trúc... Điều này cũng ứng với phương diện xã hội, mỗi cá thể được chăm sóc hợp nên một đô thị hài hòa.
(*) Trích từ bài hát Im lặng đêm Hà Nội (nhạc: Phú Quang, thơ: Phạm Thị Ngọc Liên).
Bản đồ cây xanh, tại sao không?
Trong lúc tôi đang viết bài này thì đã có những nhóm bạn trẻ kêu gọi cùng lập bản đồ 50.000 cây xanh đường phố Hà Nội trên mạng, thứ mà lẽ ra chính quyền thành phố đã phải đưa ra công chúng từ lâu. Bản đồ cây các đô thị không mới trên thế giới, trên internet dễ dàng truy cập các bản đồ này, từ Hamburg (Đức) đến Basel (Thụy Sĩ) đều hiển thị rõ ràng vị trí các cây, tên loại cây cho đến tình trạng của cây. Thậm chí, đơn giản là chúng ta xem bản đồ Google Earth cũng có thể thấy sự phân bố cây xanh ra sao ở Hà Nội. Việc nhà quản lý có thực sự muốn dùng nguồn tài nguyên quyết định này không chính là chìa khóa của một đô thị phát triển bền vững.
Giữ phần hồn đất kinh kỳ
Nhiều người Hà Nội có lẽ đã từng thấy thành phố tan hoang vì bom đạn chiến tranh nhưng những gì tan hoang ở cảnh những gốc cây bị chặt hay trốc rễ trên vỉa hè lại đem tới cảm giác tổn thương. Bởi lẽ cây xanh lâu năm có giá trị còn vì ở đấy lưu giữ kỷ niệm, thói quen, những gì thuộc về tình cảm không đo đếm nổi. Cùng với những hồ nước, nó là phần lãng mạn để giúp người Hà Nội còn chút gì vượt thoát lên khung cảnh ngột ngạt chật chội của ngõ ngách thiếu quy hoạch, của bê-tông, của rừng mái tôn và bể inox trữ nước la liệt trên các nóc nhà. Một trong những cách thể hiện sự lãng mạn ấy là qua thơ ca, kho tàng những bài hát về Hà Nội - dễ thấy ca từ nhắc đến cây xanh như một dấu chỉ nổi bật của đô thị, từ không gian thực tế, những câu chữ ấy làm nên không gian của ký ức, làm thành giá trị văn hóa của cộng đồng: “Hà Nội ơi, những ngày thơ ấu trôi qua. Mái trường phượng vĩ dâng hoa, ráng chiều ủ bóng tiên nga” (Hướng về Hà Nội - Hoàng Dương), “Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ, gió sông Hồng rì rào sóng vỗ” (Hà Nội một trái tim hồng - Nguyễn Đức Toàn), “Em ơi Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa” (Em ơi Hà Nội phố - Phú Quang, thơ Phan Vũ)...
Bình luận (0)