Đông đảo học giả đến từ Nhật Bản, Singapore, Philippines... tham dự hội thảo quốc tế “Xây dựng lòng tin ở châu Á” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 5-12 rất quan ngại trước việc hòa bình, ổn định và tự do, an ninh hàng hải ở khu vực biển Đông bị đe dọa bởi các hành động hung hăng của Trung Quốc.
Bồi đắp hơn 900.000 m2
Các học giả đều nhấn mạnh an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các tranh chấp về chủ quyền. Theo GS Oba Mie, Đại học Khoa học tự nhiên Tokyo, nghiêm trọng nhất là việc Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp, san lấp vùng biển xung quanh các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam với với quy mô lớn và có thể xây dựng các căn cứ quân sự tại đó. Theo công bố được Nhóm sáng kiến về minh bạch của vùng biển châu Á - Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ đưa ra vào tháng 5-2015, khu vực do Trung Quốc bồi đắp, san lấp đã lên tới 900.000 m2.
TS William Chong, chuyên gia cao cấp của Đối thoại Shangri-La về An ninh châu Á - Thái Bình Dương, chỉ rõ chiến lược của Trung Quốc đối với các tranh chấp hàng hải ở biển Đông là thách thức lớn nhất đối với an ninh khu vực. Bắc Kinh đang cố gắng gây bất lợi cho các bên tranh chấp thông qua một chiến lược lấn biển, quân sự hóa 7 thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa và làm chệch hướng những lời chỉ trích thông qua việc sử dụng “vũ khí” kinh tế. Hoạt động bồi đắp của Trung Quốc đã mở rộng diện tích bị họ cưỡng chiếm ở Trường Sa lên hơn 400 lần.
TS Chong nhấn mạnh vấn đề tự do hàng hải và hàng không, không chỉ là hoạt động thương mại mà liên quan cả về quân sự. Trung Quốc luôn phản ứng khi tàu nước ngoài vào vùng biển xung quanh các thực thể mà họ cưỡng chiếm. TS Chong lưu ý Trung Quốc có cách tiếp cận riêng và điều này sẽ gia tăng căng thẳng trong khu vực, nhất là giữa các lực lượng hải quân hiện diện ở đây.
TS Nguyễn Thanh Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết hiện trên biển Đông có nhiều lực lượng của các nước liên quan hoạt động như hải quân, cảnh sát biển và các lực lượng bán vũ trang khác như kiểm ngư, hải giám. Theo đó, là số lượng ngày càng lớn của các thiết bị chiến đấu trên biển như tàu ngầm, máy bay tiêm kích… “Điều đó cho thấy có thể sẽ có một cuộc chạy đua vũ trang nếu các hành động đơn phương xâm phạm chủ quyền vùng biển của những quốc gia khác và các hành vi vi phạm luật biển quốc tế không được ngăn chặn và giải quyết kịp thời” - TS Minh cảnh báo.
Tình hình còn phức tạp
Nêu cao quan điểm để giữ gìn an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông cần phải xây dựng lòng tin trong khu vực, song các chuyên gia đều tỏ ra chưa tin tưởng vào các cơ chế xây dựng lòng tin hiện có. Vấn đề đặt ra là xây dựng lòng tin như thế nào? Thậm chí TS William Chong còn ví von: “Trong vấn đề biển Đông, ASEAN là người cầm lái nhưng không biết lái đi đâu”.
TS Nguyễn Thanh Minh nêu một số giải pháp xây dựng lòng tin như: Tuần tra chung, giảm bớt các hoạt động quân sự đơn phương, tăng cường khả năng hợp tác cùng phát triển trên một số lĩnh vực ít nhạy cảm. TS Minh nhấn mạnh giải pháp thành lập các trung tâm chia sẻ thông tin để phối hợp xử lý về lĩnh vực an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu hộ và cứu nạn, chống cướp biển; thành lập trung tâm kiểm soát an ninh hàng hải của khu vực... Các bên liên quan cần cam kết không quân sự hóa biển Đông…
Với cách nhìn nhận “Trung Quốc đặt ra luật chơi chứ không phải chúng ta”, TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD), cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) chỉ có thể ra đời khi Trung Quốc cảm thấy hoàn thành thiết lập hiện trạng mới ở biển Đông. Việc Trung Quốc có 7 cứ điểm quân sự trên biển Đông sẽ tạo sức ép với các nước sử dụng đường biển này và khi xảy ra xung đột, họ sẽ khóa đường biển. Thời gian tới, tình hình có thể còn phức tạp hơn bằng việc Trung Quốc đưa tàu ra ngăn chặn đường hàng hải quốc tế với mục tiêu “không đánh mà người chịu khuất”. Theo TS Trường, đây là thời điểm kiểm soát xung đột, trong đó cần có quan hệ giữa các nước lớn với nhau: Mỹ - Trung Quốc - Nhật Bản…
Chính sách kiềm chế Trung Quốc
GS Shin Kawashima, Đại học Tokyo, phân tích việc Mỹ chú trọng đến quyền tự do hàng hải cũng là một thông điệp gửi đến Trung Quốc. Về cơ bản Mỹ có chính sách can dự và kiềm chế với Trung Quốc, vừa hợp tác vừa đấu tranh.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Fukada, khẳng định Nhật Bản sẵn sàng đóng góp ngày càng tích cực vào nền hòa bình, tăng cường năng lực thực thi luật pháp trên biển cho các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Đánh giá về tác động của các nước lớn đến biển Đông trong 24 tháng tới, TS William Chong cho rằng Mỹ sẽ thu hút một số nước vào các hoạt động tự do hàng hải. Nhật Bản là ứng viên hàng đầu, kế đến có thể là Úc. Nếu các nước ASEAN không tham gia sẽ gây khó khăn cho Mỹ, bởi Trung Quốc sẽ cho rằng đây là hành động từ một quốc gia bên ngoài.
Bình luận (0)