Những tiểu thương này đã gắn bó hàng chục năm với chợ Đầm, góp phần vào việc thu ngân sách của TP Nha Trang cũng như tạo dựng một thương hiệu chợ Đầm cho thành phố du lịch biển. Từ nhiều tháng trước, chính họ cũng từng bãi thị để phản ánh việc Công ty CP Sông Đà - Nha Trang (chủ đầu tư) không minh bạch khi xây dựng chợ mới; nhiều người buôn bán rất lâu nhưng không được đền bù, phải mua lô sạp mà không được ưu đãi gì.
Thời điểm đó, lãnh đạo Công ty CP Sông Đà - Nha Trang thừa nhận đã sai khi ban hành văn bản về việc góp vốn của các hộ kinh doanh để xây dựng chợ khi chưa được phê duyệt giá. UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu UBND TP Nha Trang và chủ đầu tư cùng ban quản lý chợ Đầm nghiêm túc kiểm điểm; chủ đầu tư phải rà soát từng trường hợp cụ thể để sắp xếp, hỗ trợ di dời và có giá cả cho thuê (được phê duyệt) hợp lý... Chỉ đến khi đó, dư luận mới biết những người triển khai dự án này đã không sòng phẳng với chính các tiểu thương đã góp công tạo dựng nên thương hiệu chợ Đầm.
Vụ việc chợ Đầm khiến chúng ta nhớ năm 2014, cũng tại TP Nha Trang, bà Nguyễn Thị An, trưởng môt ngành hàng của chợ Xóm Mới, phải nhờ báo chí lên tiếng. Khi đó, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo trước ngày 10-11-2014, UBND TP Nha Trang phải chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư, ban quản lý chợ tổ chức họp tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến của doanh nghiệp, tiểu thương về việc triển khai dự án trung tâm thương mại và chợ Xóm Mới. Song, quá hạn rất lâu mà không thấy ai hỏi, thậm chí họ đi hỏi trực tiếp rồi gửi văn bản từ tỉnh đến thành phố nhưng đều không nhận được trả lời.
Còn nhớ sau vụ chặt cây xanh vừa qua ở thủ đô, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị đã nhấn mạnh: Cần rút ra bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc về tổ chức các vấn đề nhạy cảm, bài học về lắng nghe ý kiến nhân dân.
Cây xanh trên đường phố hay chợ, ngoài việc gắn bó với đời sống thì sâu xa và thiêng liêng hơn nữa, là còn gắn chặt với tình cảm của người dân mà chính quyền địa phương buộc phải nhìn thấy, phải trân trọng khi hoạch định các chiến lược phát triển. Hẳn dân Hà Nội ai chẳng muốn đường phố có những hàng cây xanh và đẹp. Hẳn tiểu thương chợ Đầm ai cũng đều muốn được kinh doanh trong một khu chợ hoành tráng hơn chợ cũ có độ an toàn thấp, cũng không ai dại bỏ công ăn việc làm để đi khiếu nại.
Phải chăng những người triển khai dự án chợ Đầm mới đã cố tình không biết đến điều tương tự mà ông Phạm Quang Nghị từng ví von trong vụ chặt cây xanh ở thủ đô, rằng: “Cây chưa trồng là của dự án của chúng ta; cây đã trồng là của xã hội, của đường phố, của thủ đô”?
Bình luận (0)