Dự án khu tái định cư (TĐC) Ninh Thủy tại xã Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa có diện tích trên 100 ha, tổng mức đầu tư gần 463 tỉ đồng với quy mô gần 1.300 hộ. Sau gần 2 năm thi công, đến nay cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 của khu TĐC Ninh Thủy với 34,9 ha đã hoàn thiện, cho 75 hộ dân địa phương vào sinh sống. Đây là bước đi đầu tiên cho việc giải tỏa trắng gần 1.500 hộ dân của xã Ninh Phước để nhường đất cho nhiều dự án lớn tại phía Nam Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong, như: Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong, Trung tâm Nhiệt điện Vân Phong…
Thiếu kế sinh nhai
Ông Lê Minh Đến, người dân thôn Ninh Yển, cũng bức xúc: “Các dự án treo hết năm này qua năm khác, cơ sở hạ tầng xuống cấp không được tu sửa. Nhà cửa của dân cũng xuống cấp nghiêm trọng nhưng không ai dám xây nhà, đầu tư phương tiện làm ăn”.
Bà Đỗ Thị Dù, Chủ tịch UBND xã Ninh Phước, cho biết phục vụ dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong, thôn Ninh Yển có khoảng 300 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó 74 hộ nằm trong diện giải tỏa trắng, phải di dời. Tổng số tiền bồi thưởng khoảng 112 tỉ đồng. Đến nay, chỉ mới có 34 hộ đã bốc thăm đất tại khu TĐC Ninh Thủy. Lớn hơn là dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong ảnh hưởng hơn 1.000 hộ dân, xóa trắng xã Ninh Phước nhưng chưa biết khi nào mới triển khai.
Dân cố bám làng cũ
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở khu TĐC Vĩnh Yên tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Tại địa phương này, hơn 100 hộ dân bị giải tỏa để xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong (cảng Vân Phong) nằm trong KKT Vân Phong. Tuy nhiên, cảng này đã “treo” gần 3 năm, chủ đầu tư cũ đã bị thu hồi giấy phép, chủ đầu tư mới chưa biết là ai. Trong khi đó, thê thảm nhất là người dân. Trong số 57 hộ dân đầu tiên của thôn Đầm Môn đã nhận đất TĐC, nay chỉ còn 3 hộ bám trụ. Số còn lại đã quay về thôn cũ dựng tạm lều bạt để tiếp tục bám biển mưu sinh.
Mang dáng dấp của một đô thị nhưng Vĩnh Yên lại đìu hiu, vắng bóng người. Anh Phan Tiến Dũng, một trong những hộ dân còn bám trụ tại khu TĐC, cho biết từ khi lên đây, nghề đi biển gặp nhiều khó khăn, cuộc sống bị xáo trộn. “Chúng tôi được đào tạo nghề với hy vọng có việc làm từ dự án cảng Vân Phong. Tuy nhiên, giờ đây dự án gần như “chết yểu”. Đành về lại làng cũ dựng lều đánh cá còn hơn ở nhà khang trang mà cuộc sống túng quẫn” - anh Dũng than.
Ông Trương Thái Hùng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, cho biết: “Việc người dân tự ý lấn chiếm, xã cũng biết nhưng vì sinh kế nên vẫn để họ ở tạm. Tuy nhiên, xã yêu cầu người dân viết cam kết, khi nhà nước giải tỏa sẽ phải di dời và không được đền bù. Theo quy hoạch, toàn xã nằm trong vùng sẽ giải tỏa trắng để làm cảng Vân Phong nhưng chưa biết sắp tới sẽ như thế nào”.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Đình Phi, Phó Ban Quản lý KKT Vân Phong, cho biết hiện KKT có 5 khu TĐC là Vĩnh Yên, Vạn Thắng, Ngọc Sơn, Xóm Quán, Ninh Thủy với diện tích hàng trăm hécta. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều dự án chậm triển khai. Hiện UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù, dành riêng cho những hộ thuộc diện bị ảnh hưởng bởi các dự án. Cụ thể, khu TĐC Vĩnh Yên đang xây dựng cầu cảng phục vụ nghề biển cho người dân, khu TĐC Xóm Quán (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) bố trí gần biển, khu TĐC Ninh Thủy dành khoảng 20 ha cho các hộ dân sống bằng nghề nông… Ngoài ra, còn một loạt ưu đãi khác về đất.
Vốn triển khai chưa được 5% mức đăng ký KKT Vân Phong có diện tích 150.000 ha được Chính phủ phê duyệt thành lập năm 2008. Tính đến đầu tháng 10-2013, KKT đã thu hút 128 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,5 tỉ USD nhưng tổng vốn của các dự án đã triển khai chỉ có 592 triệu USD, chiếm gần 5% tổng mức đăng ký. |
Bình luận (0)