Phóng viên: Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về việc Chính phủ trình QH phê duyệt phát hành trái phiếu Chính phủ 3 tỉ USD trong năm 2016 làm nhiều đại biểu QH và cử tri lo lắng vì nợ cũ vẫn còn lại vay mới?
- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Nếu muốn giảm nợ công, nói một cách đơn thuần thì chỉ cần không vay là nợ giảm. Nhưng điều kiện đất nước còn khó khăn nên vừa phải sử dụng nội lực vừa phải tận dụng ngoại lực. Mình vay về để làm ăn và luật pháp hiện hành cũng quy định rất rõ việc vay về chỉ dành đầu tư phát triển chứ không có chuyện dùng chi thường xuyên nên người dân có thể hoàn toàn yên tâm.
Cũng phải nói thêm rằng khái niệm “vay đảo nợ” là để trình bày cho dễ hiểu nhưng nó không đầy đủ. Thực chất, Luật Ngân sách hiện hành cho phép cơ cấu lại nợ cho có lợi nhất chứ không phải vì không trả được nên phải đảo nợ. Cụ thể trước đó, chúng ta vay lãi suất cao nay vay được khoản lãi suất thấp hơn để trả nợ thì cần làm.
Chủ tịch QH lo ngại với đề xuất của Chính phủ là linh hoạt kỳ hạn trái phiếu Chính phủ theo hướng kỳ hạn ngắn 2-3 năm. Bởi kỳ hạn này hấp dẫn nhà đầu tư nhưng lại phải trả nợ gấp thì khó tìm được nguồn. Phó Thủ tướng nghĩ sao về việc này?
- Xu hướng phát hành trái phiếu quốc tế là dài hạn chứ không ngắn hạn. Chỉ linh hoạt kỳ hạn với nhà đầu tư trong nước vì thị trường vốn Việt Nam chưa phát triển nên vẫn vay qua kênh khác nữa, chủ yếu là vốn ngắn hạn nên phải linh hoạt. Nhưng đúng là kỳ hạn ngắn không lợi bằng dài hạn nhưng bối cảnh tình hình buộc phải có linh hoạt kỳ hạn.
Tại cuộc họp QH ngày 22-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết sau khi trừ khoản tiền của ngân sách địa phương và các khoản khác, ngân sách trung ương chỉ còn 45.000 tỉ đồng và bình luận “trả nợ xong gần như không có tiền để có thể điều tiết”. Phó Thủ tướng nhận định như thế nào về lo ngại này?
- Thu ngân sách trung ương năm 2015 khó khăn là do giá dầu giảm quá mạnh so với dự kiến. Nguồn thu thứ hai không tăng, thậm chí giảm do lộ trình giảm thuế để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.
Do nguồn thu trung ương giảm nên Chính phủ chủ động trong điều hành như yêu cầu địa phương trước mắt chỉ được sử dụng 50% nguồn thu, cuối năm mà thu khá lên thì dùng tiếp. Không nên quá lo lắng ngân sách bị đảo lộn bởi nếu ngân sách trung ương hụt thu thì địa phương đã tăng lên.
Thưa Phó Thủ tướng, báo cáo của Chính phủ nêu kinh tế tăng trưởng nhưng nguồn thu ngân sách lại giảm, điều đó có bình thường?
- Tổng thu ngân sách năm 2015 tăng, chủ yếu nằm ở phần tăng nội địa của các địa phương. Như vậy, việc chuyển biến cơ cấu nguồn thu dần trở nên bền vững bởi nguồn thu từ nội địa luôn là một nguồn thu căn cơ.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỉ đồng (tăng 1,8% so với dự toán và tăng 7,4% so với ước thực hiện năm 2014). Tăng thu chủ yếu của ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỉ đồng), còn ngân sách trung ương hụt thu 31.300 tỉ đồng. Đó là những yếu tố căn bản lý giải tại sao tăng trưởng GDP cao mà thu ngân sách trung ương lại thấp.
Bình luận (0)