Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đủ chi phí trực tiếp và phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật cho nhân viên y tế vào mức viện phí sẽ phải hoàn tất trong năm 2015. Với thay đổi này, người bệnh sẽ phải chi trả thêm khá nhiều chi phí cho điều trị. Trong đó, chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là gần 30% dân số chưa tham gia BHYT (khoảng 27 triệu người).
Sẽ tính đúng theo giá thị trường
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, cho biết dự kiến đầu tháng 8-2015, liên bộ Y tế - Tài chính sẽ ban hành thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ y tế mới, trong đó bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Từ ngày 1-1-2016, bộ sẽ thực hiện điều chỉnh viện phí bao gồm cả chi phí trực tiếp và tiền lương.
“Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế về cơ bản không làm ảnh hưởng đến người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách vì đã được hỗ trợ mua thẻ BHYT từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 50% người cận nghèo chưa có thẻ BHYT. Đối tượng này chắc chắn sẽ bị tác động bởi chính sách viện phí mới” - ông nhìn nhận.
Theo ông Liên, hiện nay, giá viện phí thấp nên nhiều người không tham gia BHYT, tự bỏ tiền túi chi trả. Nhưng khi viện phí tăng, hướng tới tính đúng, tính đủ (hiện mới tính 3/7 yếu tố) thì nếu không có thẻ BHYT, người dân sẽ phải chi trả viện phí rất lớn. Lúc đó, người dân mới thực sự thấy cần thẻ BHYT.
Ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định đến năm 2020, viện phí sẽ được tính đúng theo giá thị trường. Lộ trình thực hiện BHYT toàn dân và điều chỉnh giá dịch vụ y tế có quan hệ mật thiết với nhau. Chính sách BHYT là chính sách an sinh xã hội, có sự chia sẻ trong cộng đồng, số đông bù số ít, người khỏe giúp người ốm.
“Trước đây, khi quyết định điều chỉnh giá dịch vụ y tế thời điểm năm 2012 cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau đó, chúng tôi nhận được sự đồng thuận của xã hội. Vì vậy, sau khi điều chỉnh viện phí, điều kiện phục vụ đã tốt hơn rất nhiều. Khi thực hiện BHYT toàn dân, quỹ BHYT lớn hơn. Trên cơ sở đó, quyền lợi người bệnh cũng được hưởng cao hơn” - ông Tuấn nhấn mạnh.
TP HCM điều chỉnh lần 2
Trước đó, từ ngày 1-6, Sở Y tế TP HCM đã chính thức điều chỉnh giá các dịch vụ khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP. Đây là lần thứ 2, viện phí được điều chỉnh tăng trong vòng 12 tháng qua.
Khung viện phí mới ở TP HCM được áp dụng tại 378 cơ sở y tế công lập (gồm: 29 bệnh viện thuộc TP, 23 bệnh viện quận - huyện, 1 khu điều trị, 2 trung tâm, 1 phòng khám chuyên khoa và 322 trạm y tế phường - xã) tăng 10% so với mức giá trước đó. Mức tăng viện phí mới được áp dụng trong các dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá giường bệnh/ngày, các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm (477 dịch vụ) với mức bằng 85% của khung giá theo Thông tư liên tịch số 04 ban hành năm 2012 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính.
Đến ngày 1-6-2016, viện phí ở TP HCM sẽ tăng đến mức bằng 100% khung giá do Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định. Nhóm các phẫu thuật, thủ thuật (hơn 1.500 dịch vụ) tăng bằng 75% và từ ngày 1-6-2016 là 100% khung giá.
Bình luận (0)