Tại buổi họp báo chiều 16-4, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 9-4 về việc mở rộng các bãi đá ngầm ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết về vấn đề này, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc, kể cả ở cấp cao.
"Một lần nữa, chúng tôi tuyên bố Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở các đảo, đá thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị" - ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động nêu trên và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Trước đó, ngày 9-4, Trung Quốc chính thức công bố chi tiết kế hoạch dự án xây dựng và bảo trì một số đảo tại Biển Đông.
Theo tin từ Reuters, Trung Quốc ngày 9-4 đã công bố kế hoạch về các hòn đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng trên biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố những hòn đảo này sẽ được sử dụng cho "mục đích quốc phòng" và cung cấp các "dịch vụ dân sự có lợi" cho các quốc gia khác.
Trong cuộc họp báo thường kỳ Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: “Chúng tôi đang thiết lập nơi trú ẩn, viện trợ cho việc đi biển, tìm kiếm cứu nạn cũng như các dịch vụ dự báo khí tượng hàng hải, các dịch vụ ngư nghiệp và các dịch vụ hành chính khác”."Các hòn đảo và bãi cạn trong kế hoạch cũng sẽ đáp ứng nhu cầu quốc phòng của Trung Quốc" - bà Hoa Xuân Oánh nói.
Cùng ngày 9-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ quan ngại Trung Quốc sử dụng “tầm vóc và sức mạnh” để gây sức ép với các nước nhỏ hơn trong tranh chấp ở biển Đông. Còn Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke nói rằng Washington quan ngại rằng Trung Quốc có thể quân sự hóa các công trình trái phép trên biển Đông.
Đầu tuần này, Philippines ước tính những hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc đã tàn phá các rạn san hô, gây thiệt hại 100 triệu USD mỗi năm cho các nước ven biển Đông.
Gần 1 năm qua, Bắc Kinh đã nỗ lực cải tạo đất bất hợp pháp trên 7 bãi đá ngầm và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chỉ riêng việc mở rộng Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thành “đảo” lớn nhất quần đảo Trường Sa với diện tích 0,96 km2 đã tiêu tốn hơn 73 tỉ nhân dân tệ (11,5 tỉ USD). Đó là chưa tính đến chi phí cho các tòa nhà và các thiết bị cố định khác được xây trên bãi đá này.
Ngoài bãi đá Chữ Thập, Trung Quốc còn bồi đắp trái phép 6 bãi đá khác của Trường Sa: Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Cụm đá Gaven (Gaven Reefs) và Đá Xu Bi ( Subi Reef). Khi được hỏi về hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở bãi Vành Khăn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Carter nói ông không muốn đồn đoán về kế hoạch của Trung Quốc, nhưng việc quân sự hóa các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông có thể dẫn tới “những sự việc nguy hiểm”.
Bình luận (0)