xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Việt Nam sớm xác lập chủ quyền biển đảo

TS Trần Nam Tiến (Trung tâm Nghiên cứu biển đảo - Trường ĐH KHXH & NV TPHCM)

Gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh quá trình tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ các tư liệu lịch sử trong nước và quốc tế, chúng ta mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này

Là một quốc gia bên bờ biển Đông ngay từ những ngày đầu dựng nước, quốc gia Đại Việt đã chú trọng mở rộng lãnh thổ ra biển. Trong quá trình mở cõi, các chúa Nguyễn đã phát hiện và khai thác các đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa từ khi chúng chưa thuộc chủ quyền của quốc gia nào.
Theo Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do tác giả Đỗ Bá soạn vào thế kỷ XVII, ít nhất đến thế kỷ XVII bản đồ Việt Nam đã gọi hai quần đảo bằng cái tên chung là Bãi Cát Vàng và ghi nó vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa. Lúc đó Bãi Cát Vàng còn được gọi bằng nhiều tên gọi khác như: Hoàng Sa, Cồn Vàng, Trường Sa, Đại Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa… và nay là Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam làm chủ

Để thực thi chủ quyền của mình, các chúa Nguyễn đã cho thành lập đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải để tiến hành bảo vệ và khai thác ở hai quần đảo này từ rất sớm. Việc chiếm hữu của Nhà nước Việt Nam là thật sự, rõ ràng và đã thiết lập được một cơ chế thích hợp để kiểm soát, quản lý, bảo vệ hai quần đảo và trên thực tế đã thực hiện quyền tài phán ở đó.

Trong số các tài liệu, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn là tài liệu cổ, mô tả kỹ càng nhất về Trường Sa. Lê Quý Đôn là quan dưới thời nhà Lê, phụ trách vùng Thuận Hóa, Quảng Nam (nay là vùng đất thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định). Ông đã viết Phủ biên tạp lục vào năm 1776, tại Quảng Nam.
Trong quyển 2 của Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã xác định một cách rõ ràng vị trí của “Đại Trường Sa gần xứ Bắc Hải”. Mà Côn Lôn với Hà Tiên cũng thuộc phạm vi hoạt động của đội Bắc Hải. Như thế Đại Trường Sa hay Hoàng Sa vào cuối thế kỷ XVIII kéo dài đến ở phía Nam của biển Đông, tức vị trí của Trường Sa hiện nay.

img

Tàu tên lửa hải quân Việt Nam tập luyện bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: VNE

Tất cả các sách sử chính thức của Nhà nước do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều chính biên toát yếu, Việt sử cương giám khảo lược… đều có mô tả về Hoàng Sa lớn bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó cho thấy về tổ chức hành chính, từ thế kỷ XVII, cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các chính quyền phong kiến Việt Nam phiên thuộc vào phủ Quảng Nghĩa, trấn Quảng Nam.
Ngoài các tư liệu mô tả về địa lý, về các sản vật trên đảo, các nguồn tư liệu lịch sử để lại còn cho thấy nhà nước phong kiến đã chủ đích khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khảo sát, đo đạc và vẽ bản đồ khu vực hai quần đảo này. Đặc biệt là từ thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn đã thực thi nhiều biện pháp tích cực nhằm thực hiện chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các nước thừa nhận

Bên cạnh các tài liệu của Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn được đề cập trong các tài liệu nước ngoài. Nhiều nhà hàng hải, nhà nghiên cứu phương Tây đã từng đến Việt Nam xác nhận Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Tác giả Thích Đại Sán - một vị lão tăng Trung Quốc đến Việt Nam năm 1695 đã viết cuốn Hải ngoại kỷ sự có ghi rõ việc các chúa Nguyễn đã tổ chức khai thác quần đảo Hoàng Sa. Trong bài Địa lý Vương quốc An Nam của Gutzlaff có đề cập việc lập trạm thu thuế và đóng đồn ở đây.
Đáng chú ý có thể kể đến An Nam đại quốc họa đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 đã khẳng định Bãi Cát Vàng là Paracels và nằm trong lãnh hải Việt Nam. Bản đồ này là một tài liệu phản ánh sự tổng kết những hiểu biết sâu sắc và chính đáng của người phương Tây từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX về mối quan hệ giữa quần đảo Hoàng Sa và nước Đại Việt mà tác giả gọi là An Nam đại quốc.
Như vậy, khi phân tích các dữ liệu Việt Nam và các tư liệu nước ngoài cũng như của Trung Quốc, chúng ta thấy rõ hầu hết các tư liệu Việt Nam đưa ra đều là tư liệu chính thức của Nhà nước, minh xác rõ việc xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam.
Sau khi thực dân Pháp thiết lập được ách đô hộ ở Việt Nam, nhân danh Vương quốc An Nam theo Hiệp ước Giáp Tuất (năm 1874) cũng như Hiệp ước Patenôtre năm 1884, chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã chính thức chiếm hữu Hoàng Sa và Trường Sa trong tình trạng không có nước nào chiếm hữu.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Pháp đã có một thông tri đăng trên công báo Pháp ngày 26-7-1933 về sự chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Suốt thời gian từ 1927 đến 1945, chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Khẳng định chủ quyền liên tục

Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, chấm dứt chế độ thuộc địa và kết thúc sự tồn tại của triều đình Huế, khiến cơ sở pháp lý của các hiệp ước Giáp Tuất 1874 và Patenôtre năm 1884 không còn giá trị. Sau đó, được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp đã chiếm lại Sài Gòn, rồi Nam Bộ từ ngày 23-9-1945, thành lập chính quyền Nam Kỳ tự trị của người Việt thân Pháp và sau đó thành lập chính phủ Bảo Đại thân Pháp, ký kết với Bảo Đại hiệp ước năm 1947 và tranh thủ sự công nhận của các nước phương Tây để chống lại Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Các chính quyền thân Pháp ở Việt Nam hoặc thực dân Pháp đã liên tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã chiếm hữu kể trên. Cụ thể, ngày 4-9-1950, Đổng lý văn phòng của Quốc trưởng Bảo Đại, Hoàng thân Bửu Lộc, trong một cuộc họp báo tại Sài Gòn đã công khai khẳng định lại quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tại Hội nghị San Francisco ngày 7-9-1951, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã tuyên bố rằng: “Khẳng định chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Tuyên bố này đã không gặp sự phản đối của bất kỳ đại biểu nào trong hội nghị.
Đến năm 1956, khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam, Trường Sa được bàn giao cho chính quyền ở Việt Nam Cộng hòa quản lý đã bảo đảm tính liên tục thực thi chủ quyền một cách hòa bình của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Chính quyền Sài Gòn đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.
Trong thời gian này, Trung Quốc lợi dụng sự xáo trộn về chính trị ở Việt Nam, đã dùng vũ lực lần lượt chiếm đóng phần phía Đông (1956) và sau đó là phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa (1974), rồi xâm chiếm toàn bộ quần đảo này. Chính quyền Sài Gòn đã kịch liệt phản đối sự xâm chiếm này và đã thông báo cho các nước và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Cũng trong thời gian đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố lập trường ba điểm về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo, bao gồm việc các bên phải cùng nhau thương lượng để giải quyết vấn đề. Ngày 14-2-1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn công bố Sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đến năm 1975, khi giải phóng miền Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản, tiếp tục trấn giữ và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976 tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam đã có từ lâu đời trên quần đảo Trường Sa.

Vua Gia Long cho cắm cờ ở Hoàng Sa

Bộ Đại Nam thực lục chính biên chứng minh rõ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa: “Năm Bính Tý, năm thứ 15 đời vua Gia Long (1816) ra lệnh cho lực lượng hải quân và đội Hoàng Sa đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa để thanh tra và khám xét thủy trình”.
Sự chiếm hữu hai quần đảo theo lệnh của vua Gia Long cũng được chứng nhận bởi các tài liệu của phương Tây. Bài viết của M.A. Dubois de Jancigny mô tả: “…
img
Bản đồ Biển Đông Việt Nam do người Hà Lan vẽ vào năm 1754 (ảnh do Lê Văn Trường chụp lại)
Từ hơn 34 năm, quần đảo Paracel, mang tên là Cát Vàng hay Hoàng Sa, là một dải đảo quanh co của nhiều đảo chìm và nổi, quả là rất đáng sợ cho các nhà hàng hải, đã do những người Nam Kỳ chiếm giữ.
Chúng tôi không biết rằng họ có xây dựng cơ sở của mình hay không, nhưng chắc chắn rằng vua Gia Long đã quyết định giữ nơi này cho triều đại mình, vì rằng chính ông đã thấy được rằng tự mình phải đến đấy chiếm lấy và năm 1816 nhà vua đã trịnh trọng cắm ở đây lá cờ của Nam Kỳ”.
Kỳ tới: “Đường lưỡi bò” hão huyền

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo