Ngày 12-8, hội nghị “Đối ngoại đa phương thế kỷ XXI và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội. Hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, địa phương và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã tham dự hội nghị.
Phải đổi mới tư duy
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá sau 30 năm thực hiện đối ngoại đa phương trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi thế bị bao vây cấm vận, từng bước mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, thúc đẩy các mục tiêu phát triển, bảo vệ và duy trì môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhấn mạnh trong môi trường an ninh và phát triển đang chuyển biến rất nhanh và sâu sắc, thế giới đang hướng đến cục diện “đa cực”, Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp liên ngành trong hoạt động đối ngoại nói chung và trong triển khai đối ngoại đa phương, chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”.
Thủ tướng nêu rõ Việt Nam xác định đối ngoại đa phương là bộ phận rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế. Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước, Việt Nam cần coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc, ASEAN, Phong trào Không liên kết.
Chính sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế tại các diễn đàn đa phương đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam đã góp phần quan trọng đề cao chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các nguyên tắc ứng xử của khu vực, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực...
Kết nối chứ không chia rẽ
Chia sẻ các kinh nghiệm nhằm nâng tầm tham gia và đóng góp của Việt Nam trong các cơ chế đa phương, ông Pascal Lamy - nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới - đưa ra các khuyến nghị với Việt Nam về chiến lược đối ngoại đa phương thời gian tới.
Theo đó, cần tiến hành 3 bước: xem xét sâu sắc, thận trọng những nhân tố định hình ảnh hưởng đến hội nhập khu vực và toàn cầu trong 10-20 năm tới; khởi xướng và đưa ra thảo luận rộng rãi về vấn đề trong 10-20 năm tới điều gì quan trọng nhất của Việt Nam trong hội nhập; thay đổi, cải cách cách thức đầu tư (tăng cường đầu tư lĩnh vực ưu tiên như hạ tầng cơ sở, giáo dục…).
Ông George Yeo, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, cho rằng biển Đông từ trước đến giờ luôn kết nối chứ không phải chia rẽ. Nếu coi đường biển là con đường thương mại chung, chúng ta sẽ nghĩ ra giải pháp. Đông Nam Á không thể phát triển hơn nếu chúng ta không mở cửa. Để làm được điều đó, vai trò của Việt Nam trong ASEAN rất quan trọng.
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao sự chia sẻ kinh nghiệm quý báu của các vị khách mời quốc tế. Phó Thủ tướng nêu những nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm từ nay đến năm 2020: Cần đẩy mạnh nội hàm phát triển và ứng phó với các thách thức toàn cầu trong các hoạt động đa phương nhằm thiết thực phục vụ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Trong đó, tiếp tục hợp tác kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng trưởng bền vững…
Hợp tác quốc phòng là vì hòa bình
Nhấn mạnh sự có mặt của Bộ Quốc phòng trong hội nghị đa phương là rất mới, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định hợp tác quốc phòng của Việt Nam là vì hòa bình. Theo Thứ trưởng, trước các thách thức mang tính chất toàn cầu hóa và xuyên quốc gia hiện nay, các diễn đàn đa phương trong lĩnh vực quốc phòng ngày càng trở nên quan trọng. Vì vậy, Việt Nam rất quan tâm đến hoạt động hợp tác quốc tế về quốc phòng, trong đó có hợp tác đa phương về quốc phòng, trước hết ở châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế khi chủ động hợp tác giữ gìn hòa bình cùng Liên Hiệp Quốc. Sắp tới, Việt Nam sẽ cử các đơn vị công binh và các bệnh viện dã chiến cấp 2 đi làm nhiệm vụ ở các phái bộ của Liên Hiệp Quốc để “chia sẻ những điều mà Việt Nam trải qua trong các cuộc chiến tranh như rà phá bom mìn, quân y, tái thiết...”.
Bình luận (0)